1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nữ công nhân đơn thân: Quay cuồng với vòng xoáy kiếm tiền, chăm con

Trường hợp nữ công nhân vì nhiều lý do khác nhau phải rơi vào cảnh một mình nuôi con hiện nay không phải là hiếm. Và để hiểu rõ hơn hoàn cảnh của họ, dịp cuối năm, phóng viên Báo Lao Động đã đến khu trọ để ghi nhận tình cảnh của một nữ công nhân khu công nghiệp sau một ngày làm việc với cường độ cao, “vật vã” với việc kiếm thêm thu nhập và chăm con.

Trường hợp nữ công nhân vì nhiều lý do khác nhau phải rơi vào cảnh một mình nuôi con hiện nay không phải là hiếm.

Và để hiểu rõ hơn hoàn cảnh của họ, dịp cuối năm, phóng viên Báo Lao Động đã đến khu trọ để ghi nhận tình cảnh của một nữ công nhân khu công nghiệp sau một ngày làm việc với cường độ cao, “vật vã” với việc kiếm thêm thu nhập và chăm con.

Thắt chặt chi tiêu

Làm mẹ đơn thân nên nữ công Nguyễn Thị Nhị (sinh năm 1990, quê Thái Nguyên) đã xin phép lãnh đạo Cty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (KCN Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội) được đi làm giờ hành chính để có thời gian, đón đưa, chăm sóc cô con gái nhỏ đang học lớp 1.

Nữ công nhân đơn thân: Quay cuồng với vòng xoáy kiếm tiền, chăm con - 1
Sinh hoạt thường ngày của mẹ con chị Nguyễn Thị Nhị. Ảnh: Hải Nguyễn

Được lãnh đạo công ty tạo điều kiện, 16h25 hàng ngày, chị Nhị lại được ôtô của công ty đưa về Phố Nỉ (Trung Giã, Sóc Sơn) để chờ đón con tan học, rồi về khu trọ.

Vào một chiều, chúng tôi đã cùng Nhị với hành trình: Đón con, đi chợ, về phòng trọ… 

Sau khi lấy xe máy ở chỗ gửi (mất 3.000 đồng/lượt), chị Nhị tạt vào chợ để mua thức ăn chiều. Lướt qua quầy thịt lợn, cá, bò… chị chần chừ không mua. Tới hàng rau, hàng khô, nữ công nhân nhanh tay chọn vài củ khoai tây, su hào cùng mấy quả trứng gà để nấu bữa tối.

Chị Nhị thật thà cho biết, do giá thịt lợn cao nên chị hạn chế mua thịt. Ở nhà, chị đã có chút thịt bò nấu dự phòng ăn mấy ngày rồi!

Đã làm việc tại công ty hơn 10 năm nên thu nhập của chị Nhị cũng khá cao so với nhiều công nhân KCN khác. Được hơn 7 triệu đồng/tháng, chị dồn chi tiêu cho cô con gái nhỏ ăn học, tiền nhà trọ, điện, nước, chi phí sinh hoạt hàng ngày của hai mẹ con.

“Với khoản thu nhập trên, hai mẹ con tôi sống đủ, nhưng không có tích luỹ. Những lúc đau ốm, nhiều đám hiếu hỉ… thì tôi phải “bóp mồm, bóp miệng” thời gian sau đó” - chị Nhị chia sẻ.

Sau khi đi chợ, không kịp thay bộ quần áo công nhân, chị Nhị lại hối hả chở con đến cửa hàng tạp hoá - nơi chị mới xin được “chân” bán hàng để có thêm thu nhập. Được chủ cửa hàng tạo điều kiện, hai mẹ con “tổ chức” nấu ăn ngay tại chỗ.

Theo quan sát của chúng tôi, bữa cơm của hai mẹ con Nhị chỉ có: Một đĩa trứng rán, một bát canh su hào, khoai tây nấu với một chút thịt bò! Sà vào mâm cơn, đứa con háu đói vội lấy đũa gắp miếng thịt bò trong bát canh, khi đưa vào miệng do miếng thịt nóng, bỏng môi nên bị rơi ra… Sau hai lần thấy con làm rơi, chị Nhị ôn tồn bảo: “Từ từ hẵng ăn, để cho bớt nóng, mẹ nhường con hết!”.

Chúng tôi không khỏi lo ngại cho nữ công nhân đang phải làm việc với cường độ cao, vất vả làm thêm, chăm sóc con nhỏ… mà ăn uống như thế thì đâu ra sức? Chị Nhị cho biết, chị coi bữa ăn ca trưa tại công ty là bữa chính, còn bữa sáng và tối chỉ ăn nhẹ để dồn cho con cũng như tiết kiệm chi tiêu…

“Ngóng” thưởng Tết

Quán vắng khách mua, nên 20h, chủ cửa hàng đồng ý để chị Nhị đưa con về phòng trọ. 

Mọi sinh hoạt của hai mẹ con diễn ra trong căn trọ chỉ khoảng 9m2, ẩm thấp, mái lợp fipro ximăng, ánh đèn tuýp xanh le lói… Vẫn bộ quần áo đồng phục, chị Nhị tranh thủ rửa mặt cho cô con gái rồi đưa cháu vào bàn, tập viết…

Tranh thủ vừa dọn phòng vừa nói chuyện với chúng tôi, chị Nhị cho hay, dịp cuối năm này, cũng như những người lao động khác, chị đang “ngóng” khoản thưởng cuối năm của công ty.

“Cả năm làm việc, chúng tôi chỉ mong nhận được khoản thưởng Tết (tháng lương thứ 13) từ công ty bởi đây là khoản thu nhập lớn nhất trong năm. Như năm ngoái, tôi được gần 15 triệu đồng. Khoản đó cũng đủ chi tiêu, sắm sửa, mua quà cho người thân trong gia đình và dành dụm được một khoản nho nhỏ, phòng khi có việc đột xuất. Năm nay, tôi được biết lãnh đạo công ty sẽ thưởng cho mỗi người lao động 2 tháng lương cơ bản - bằng năm ngoái. Hy vọng, tôi được nhận sớm để có kế hoạch chi tiêu” - chị Nhị nói.

Chứng kiến cảnh sinh hoạt của nữ công nhân, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Và thoáng buồn, chị Nhị tâm sự rằng, có ai rơi vào hoàn cảnh mẹ đơn thân mà vui bao giờ!

Tuy nhiên, với guồng quay của công việc: Làm 8 tiếng một ngày, ra khỏi cổng công ty là mải miết làm thêm để tăng thu nhập, chăm lo con. Có những hôm phải đến 23h, hai mẹ con mới được đặt lưng… nên cũng ít có thời gian suy nghĩ nhiều. Giờ tôi chỉ mong có đủ sức khoẻ để làm việc kiếm tiền và chăm sóc con thôi!

Câu chuyện của chúng tôi bị xen ngang bởi câu hỏi của cô con gái học lớp Một. Cháu nói, cô giáo bảo con tập viết điều mong ước trong dịp năm mới, theo mẹ con viết gì? Chị Nhị hỏi lại: Thế con muốn có được gì? Cháu bé hồn nhiên trả lời: Lâu lắm con không được mẹ mua búp bê, váy mới nên con sẽ viết “Năm mới, con muốn có búp bê mẹ nhé”.

Chị Nhị khẽ gật đầu. Đúng lúc này, điện thoại của Nhị đổ chuông. Qua trao đổi, chúng tôi được biết có khách thuê chỉnh sửa móng tay, chân (làm nail)… nên chị Nhị lại lích kích lấy bộ đồ nghề mang sang nhà khách. Lúc này là hơn 21h! 

Chị Nhị sang nhờ hàng xóm trông giúp bé con. Trước khi đi, chị dặn cháu bé: Ngoan, chăm tập đọc, tập viết, một tiếng nữa mẹ đi làm về, có tiền tiết kiệm mua búp bê cho! Đứa bé vui sướng, vâng dạ rối rít.

Theo Tam Anh/Báo Lao động