Nữ cascadeur - những nụ hồng lặng lẽ

Cascadeur - người chuyên đóng thế vai - là một nghề khắc nghiệt, có thể nói là phải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy. Nam vào nghề này đã khó, nữ còn khó gấp vạn lần.

Bên cạnh đó còn có áp lực từ gia đình. Ít bậc cha mẹ nào lại muốn cho con em mình theo cái nghề quái lạ: suốt ngày chỉ biết đấm đá, té ngã, đua xe, nhảy lầu, thậm chí có khi còn... đốt cháy người phừng phực! Vậy nên, có gần gũi hay tìm hiểu cuộc sống của những nữ cascadeur mới biết, chỉ có sự đam mê mãnh liệt mới có thể giúp họ vượt qua được nhiều thử thách cam go để trụ vững với nghề.

 

Những ngày chị nằm viện, ngoài giờ bác sĩ đến khám bệnh, chị thường "lén" trốn viện để đến với lớp võ ở Trường Đại học Hồng Bàng, nơi chị đang giữ chức Giám đốc trung tâm, dạy cho các em sinh viên những đòn thế cơ bản. Với chị, hoạt động thường xuyên là một liều thuốc bổ dưỡng cho tinh thần và sức khỏe.

 

Chị từng sang Pháp dạy cho các võ sinh, từng biểu diễn các tiết mục võ thuật ở xứ người, khiến cho hàng ngàn khán giả phải ngỡ ngàng vì sự nhanh nhẹn và điêu luyện đến lạ kỳ. Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; có thể nói, trong làng cascadeur nữ của Việt Nam, Thu Vân luôn xứng đáng là một trong những người đứng hàng đầu.

 

Tâm Thảo cũng là một người "xem nghề như nghiệp". Hơn mười năm trước, lúc mới 16 tuổi, Thảo đã được thầy Lữ Đắc Long (Phó chủ nhiệm CLB Cascadeur TPHCM, trực thuộc Hội Điện ảnh TPHCM) dẫn đến phim trường để làm quen với vai trò thế thân cho các diễn viên, nghệ sĩ... trong các màn nhào lộn, khinh công.

 

Là kiện tướng nhào lộn, đoạt gần 20 huy chương vàng các loại ở đẳng cấp dự bị kiện tướng nên đối với Tâm Thảo, các màn nhào lộn, té ngã là "không có gì trở ngại"!

 

Hóa thân thành nữ anh hùng Lê Thị Riêng, khi bị quân thù châm lửa đốt, toàn thân em rực cháy như một ngọn đuốc khổng lồ tại khu vực Hồ Con Rùa trong dịp lễ Đất Phương Nam. Cảnh cháy này làm sửng sốt hàng ngàn người có mặt tại đó, vậy mà khi dập lửa xong, câu đầu tiên của Thảo là: "Cảnh diễn có đẹp không?" hết sức dễ thương...

 

Tính đến nay, Tâm Thảo đã có hơn 10 năm với nghề cascadeur, tham gia hơn 30 bộ phim trong và ngoài nước, thế vai cho hàng chục diễn viên, ca sĩ. Mặc dù hiện đang là huấn luyện viên thể dục ở Trung tâm TDTT Q.4, nhưng khi có phim chỉ cần ới một tiếng là Thảo "cuốn gói" lên đường ngay.

 

Và còn Thanh Thúy, Ngọc Trinh... cũng thế. Thúy là con gái xứ dừa Bến Tre, hiền, thùy mị, dịu dàng. Thế nhưng ngày đầu tiên vô CLB, được yêu cầu đấu thử cùng 3 anh cascadeur để xem "trình độ" của Thúy như thế nào thì không ngờ: một anh bị nín thở do trúng đòn đá ngang, còn một anh mặt tái nhợt do trúng đòn đá chẻ. Hóa ra cô nàng là thành viên đội tuyển taekwondo TPHCM, nhất đẳng huyền đai!

 

Nữ cascadeur - những nụ hồng lặng lẽ  - 1

Tâm Thảo trong một cảnh quay.

Thúy hòa nhập rất nhanh trên các phim trường khi cần đến nữ cascadeur. Té xuống từ trên không trung, trúng đạn rơi xuống biển, nhào lộn trên không, hay những cú đá thần tốc... bao giờ Thanh Thúy cũng đáp ứng hiệu quả, bởi trong quá trình tập luyện, Thúy luôn tích cực và chăm chỉ.

 

Khi được hỏi động lực nào giúp cô nhanh chóng hòa nhập như vậy, thì Thúy bẽn lẽn cười, cho biết: "Trước đây em chỉ nghĩ mình phải học võ thật giỏi để đủ sức chống lại những điều bất công. Vậy mà vào CLB, em thấy học võ còn có ý nghĩa là giúp các diễn viên hoàn thành tốt những cảnh quay. Em cảm thấy đó cũng là niềm vui, là hạnh phúc...".

 

Còn Ngọc Trinh, khi phim ảnh không còn thịnh vượng như những năm 90, kéo theo hàng loạt các nữ cascadeur không còn điều kiện để theo nghề; vậy mà Ngọc Trinh lại bật sáng lên như một "ngôi sao". Cần một cô gái leo lên lầu ba? OK, có Trinh ngay! Cần một cô bị cháy toàn thân? Trinh nhanh nhẹn giơ tay: "Cho em xin đóng cảnh này!".

 

Nữ cascadeur xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1990, lặng lẽ, âm thầm. Họ đến với nghề bằng chính sự tự tin vào tài năng của mình, mỗi người mỗi sở trường khác nhau, nhưng họ vẫn luôn là những người có trách nhiệm với công việc mình đảm nhận.

 

Đa số đều tâm sự, họ "mê" nghề đến nỗi không thể dứt ra! Thù lao với họ chỉ là tượng trưng, dù phải đối diện với cuộc sống mưu sinh hằng ngày nhưng khi phim cần cascadeur là lập tức họ có mặt. Chính niềm say mê ấy đã cống hiến cho khán giả không ít những pha hấp dẫn, ngoạn mục trong các cảnh quay.

 

Theo Hoàng Lữ, Diệu Minh
Thanh Niên