Nữ caddy sân golf tiết lộ tủi hờn bị chửi bới, quấy rối tình dục
(Dân trí) - Khi golfer chơi thắng thì không sao nhưng khi họ thua, đánh hỏng thì nhân viên phục vụ sân golf có thể... vạ lây. Đó là chưa kể nguy cơ bị quấy rối tình dục rình rập...
Mới đây, dư luận xôn xao về sự việc một golfer đánh nữ nhân viên phục vụ ở sân golf (được gọi là caddy hay caddie). Đây không phải là lần đầu, nhân viên phục vụ sân golf bị bạo lực, hành hung.
Trước đây, tại sân golf ở Vĩnh Phúc từng xảy ra sự việc vị Tổng Giám đốc đánh caddy đến mức phải nhập viện.
Năm 2018, "vụ án sân golf" gây xôn xao dư luận khi một golfer khiến một người thiệt mạng do phát sinh mâu thuẫn sau khi chơi golf tại sân golf Sông Bé, Bình Dương. Người này phải ngồi tù 14 năm tù về tội "Giết người".
Những sự việc xảy ra thể hiện phần nào vấn nạn bạo lực tại sân golf. Trên sân, các caddy phải đối mặt với nhiều nguy cơ bạo lực lớn nhất.
Nhân viên phục vụ trên sân golf chuyên nhận kéo, bảo quản các túi gậy và phụ kiện cho khách chơi trên sân. Họ cũng tư vấn cách đánh, lau bóng. Quen thuộc địa hình, nắm được hướng gió, caddy còn quan sát và tư vấn đường đi của bóng, giúp người chơi ghi điểm. Đồng thời, họ cũng thực hiện công việc đánh dấu bóng golf khi vào lỗ, đào hố cát, làm sạch dụng cụ...
Caddy được xem là người không thể thiếu tại sân golf, đồng hành cùng golfer. Cũng vì tính chất này, công việc của họ luôn gắn liền với niềm vui, nỗi buồn của các tay golf.
Chị Trần Ngọc D., 27 tuổi, ở TPHCM cho biết, sau gần 5 năm làm công việc caddy, chị đã quyết định nghỉ, chuyển sang bán hàng online, do những áp lực của nghề.
Chị cho biết, đây là công việc bề ngoài nhìn tưởng sang chảnh khi làm việc ở sân golf, có yêu cầu về hình thức nhất định... nhưng phía sau đó, công việc mang nhiều áp lực về thể chất và nặng nề về tinh thần.
Mỗi caddy thường phải kéo bộ gậy golf khoảng 15 kg chạy theo phục vụ người chơi. Công việc kéo dài hàng tiếng đồng hồ, không tránh được sự mệt mỏi trong những ngày thời tiết khắc nghiệt.
Các caddy làm việc bất kể mưa nắng, chạy theo lịch của các golfer, luôn phải đến sớm hơn, kết thúc trễ hơn. Thường xuyên làm việc giữa trời nắng gay gắt nên họ hay mặc trang phục dài, kín, thậm chí trùm kín mặt.
Tuy nhiên, như chị D. nói, công việc mệt thế nào cũng không sợ bằng đối mặt với thái độ, lựa tính cách của các golfer. Tại sân golf, họ có cơ hội tiếp xúc với những người thành đạt, lịch sự, hòa nhã, thoải mái bày tỏ mong muốn của mình. Nhưng ngược lại, mỗi caddy cũng mang nỗi ám ảnh về việc gặp những vị khách rất khó chịu, khó chiều, cục cằn, thô lỗ.
Không ít lần chị D. bị golfer giàu có mà mình phục vụ chửi vào mặt với thái độ miệt thị, xem thường. Những người chơi này mà đánh trúng, thắng thì đỡ, còn đánh hỏng, thua cuộc thì thái độ rất kinh khủng, sẽ trút hết mọi cơn giận lên đầu nhân viên phục vụ.
Có lần, chị bị vị khách đánh hỏng hét toáng vào mặt là "đồ đàn bà đen đủi". Chưa hết, người này ném tờ 500.000 đồng vào người chị với yêu cầu đổi nhân viên phục vụ khác.
Chị D. bày tỏ, tính chất đặc biệt của công việc caddy là phụ thuộc lớn vào cảm xúc, hành xử của người khác, trong không gian dành cho những khách hàng giàu có, thế lực. Đó không phải là sự đồng hành "win - win" trong công việc mà ở vị thế chênh lệch hoàn toàn. Vì vậy, caddy thường ở thế yếu, khó có tiếng nói để bảo vệ mình.
Chị Ngọc D. tiết lộ, người trong ngành đều biết rõ tình trạng caddy nữ đối diện với nguy cơ bị quấy rối tình dục rất cao. Chị và nhiều nhân viên khác thường xuyên bị đụng chạm lên cơ thể, chưa kể gặp nhiều khách thích quấy rối bằng lời nói tục tĩu.
"Trong 5 năm theo nghề, tôi không nhớ bao nhiêu lần mình bị vỗ mông, chạm eo ngay trên sân với đủ những lời gạ gẫm. Có mấy em trẻ vào làm vài hôm phải bỏ chạy vì bị quấy rối", chị D. nói và cũng cảnh báo, công việc này tiếp xúc với những người đàn ông giàu có, nhiều cạm bẫy với các cô gái trẻ.
Thoát khỏi công việc ngột ngạt, lúc nào cũng phải chăm chăm dò tâm trạng của người khác, chị D. khuyên các bạn nữ cân nhắc, chuẩn bị thật tốt các kỹ năng khi bước chân vào nghề caddy. Công việc này không chỉ đòi hỏi sức khỏe, kiến thức về golf, tinh thần vững mà còn cần sự khéo léo, kiềm chế cảm xúc và nhiều bản lĩnh khước từ cạm bẫy. Hơn nữa, phía sau hình thức đẹp bên ngoài có thể là nhiều tủi hờn, chịu đựng.
Đào tạo nhân lực ngành golf
Trên thị trường, mức lương và thu nhập của caddy cũng không quá cao. Nhiều sân golf hiện tuyển nhân viên phục vụ với mức lương 4 - 8 triệu đồng/tháng với số giờ, số ngày làm việc nhất định hoặc trả theo ca. Khoản thu nhập chính của caddy là tiền tip (tiền bo, cho thêm) từ các golfer, có thể cao gấp vài lần mức lương. Theo đó, thu nhập của caddy được chia sẻ dao động từ 10 - 20 triệu đồng/tháng.
Theo các caddy Việt, chuyện tip cho nhân viên phục vụ đã trở thành thông lệ ở các sân golf. Thường họ được tip nhiều nhất từ các nhóm khách nước ngoài sang chơi theo tour hoặc khách nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tiếp đó là đến các golfer Việt. Mức tip không có con số cụ thể nhưng dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, chuyện tip cũng may rủi.
Ông Nguyễn Thế Anh, quản lý tại một sân golf ở phía Nam cho rằng, cần nhắc đến chất lượng caddy tại các sân golf. Nhiều người coi đây chỉ là công việc làm thêm nên chưa thật sự đầu tư về chuyên môn, kỹ năng. Đội ngũ phục vụ tại sân golf cũng thường nhận về nhiều lời phàn nàn như không tập trung công việc, không am hiểu về lĩnh vực, không hỗ trợ được người chơi... Thiếu kỹ năng, kiến thức, nhiều người làm công việc này đơn thuần chỉ là người phục vụ.
Caddy làm việc không hiệu quả nên đã không ít lần xảy ra sự việc ầm ĩ khi golfer phản ứng với caddy, trả người, yêu cầu sân golf đào tạo lại nhân viên... Theo ông Anh, các doanh nghiệp cần phải tham gia vào quá trình đào tạo nhân viên làm việc ở sân gofl cũng như có những chính sách, quy định bảo vệ họ.
"Nhu cầu nhân lực phục vụ sân golf rất lớn, đòi hỏi nhân viên phải được đào tạo bài bản. Nếu để trống mảng này, có thể rồi đây chúng ta sẽ phải "nhập khẩu" caddy", ông Thế Anh nhận định.
Số lượng sân golf tại Việt Nam đang ngày càng tăng, là một ngành có xu hướng phát triển mạnh. Theo Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 80 sân golf đi vào hoạt động, chưa kể các sân đang hoàn thiện với hàng chục ngàn người trong và ngoài nước thường xuyên chơi.
Nhưng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành golf hiện tại và trong tương lai của Việt Nam đang bị đuối. Số ít trường đại học, cao đẳng đưa golf vào đào tạo nhưng có trường phải sớm đóng ngành vì không tuyển được sinh viên. Hầu hết các sân golf hiện nay vẫn phải tự xoay xở kiếm nhân lực từ các ngành tay trái.