Nóng tuần qua: Nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý dài 7 ngày
(Dân trí) - Kiếm 200 triệu đồng nhờ cá rô tiếng vua, Chính phủ thông qua lịch nghỉ Tết Canh Tý, hơn 30 tỷ đồng nợ đóng BHXH tại Bạc Liêu, chi cả chục tỷ để cán bộ “nhường ghế” cho người trẻ ở Đà Nẵng, công tác vùng khó khăn có thể nhận trợ cấp tới 10 tháng lương cơ sở…
Đây là những thông tin hấp dẫn trong lĩnh vực lao động - việc làm đăng trên Chuyên mục Việc làm, Báo Dân trí trong tuần qua.
Chính phủ thông qua lịch nghỉ Tết Canh Tý 2020
Chính phủ đã thống nhất phương án nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý (2020) kéo dài 5 ngày, trong đó có 2 ngày cuối năm Kỷ Hợi và 3 ngày đầu năm Canh Tý. Cùng với 2 ngày nghỉ bù, dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý (2020) sẽ kéo dài 7 ngày.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên quan tới đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về lịch nghỉ Tết âm lịch Canh Tý 2020. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với lịch nghỉ Tết Nguyên đán do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất.
Cụ thể: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ bảy ngày, từ thứ 5 ngày 23-1-2020 đến hết thứ 4 ngày 29-1-2020 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý). Như vậy, cùng với 2 ngày nghỉ bù cuối tuần, dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý (2020) sẽ kéo dài 7 ngày...
Đút túi 200 triệu đồng/năm dễ như “trở bàn tay” nhờ ...cá rô “tiến Vua”
Cá rô Tổng Trường sống ở vùng hang động ngập nước cố đô Hoa Lư, xưa kia là loài đặc sản dâng lên tiến Vua. Ngày nay, nhờ nuôi loài cá tiến Vua này mà nhiều hộ dân ở Ninh Bình đổi đời, mỗi năm đút túi hàng trăm triệu đồng dễ như “trở bàn tay”.
Ông Nguyễn Minh Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên (huyện Hoa Lưu, Ninh Bình) cho biết, hiện nay mô hình nuôi cá rô Tổng Trường tại địa phương đang cho thu nhập ổn định. Các hộ nuôi đều có lãi hơn so với trước kia nuôi cá truyền thống. Tùy vào diện tích nuôi mà có hộ lãi lên đến cả trăm triệu đồng trên năm.
Ông Tương chia sẻ thêm, cũng từ nghề nuôi cá rô "tiến Vua này" mà 11 hộ dân với hơn 20 lao động nuôi cá trên địa bàn có việc làm ổn định. Bình quân mỗi tháng cho thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người.
Vào vụ thu hoạch cá (thời gian khoảng 1 tháng), với số lượng cá lên đến hàng tấn, các hộ dân phải thuê thêm lao động thời vụ với công ngày từ 300 - 500 nghìn đồng/ngày...
Bạc Liêu: Số nợ đóng BHXH từ 2 tháng trở lên đã gần 30 tỷ đồng
Hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nợ không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động hàng chục tỷ đồng.
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bạc Liêu vừa cho biết, hết tháng 9/2019, số nợ bảo hiểm đóng bảo hiểm xã hội từ 2 tháng trở lên trên địa bàn tỉnh là gần 30 tỷ đồng, gồm cả số lãi phải thu theo quy định.
Đối tượng nợ chủ yếu là các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong đó, các đơn vị đang hoạt động nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài từ 12 tháng trở lên (nợ khó đòi) là hơn 14,6 tỷ đồng. Các đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, tạm dừng đóng (nợ khó thu) nợ hơn 3,7 tỷ đồng...
Đà Nẵng: Chi cả chục tỷ để cán bộ “nhường ghế” cho người trẻ
Sau 1 năm Đà Nẵng áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ công tác để bố trí công việc cho cán bộ trẻ, đến nay thành phố đã giải quyết cho 24 người thuộc trường hợp này. Trung bình, mỗi cán bộ, công chức nghỉ việc sớm được chi trả 450 triệu đồng.
Ảnh minh hoạ
Trong đó, có 4 trường hợp thuộc khối đảng, đoàn thể, 20 trường hợp thuộc khối chính quyền, nhiều cán bộ từng giữ chức vụ tương đương giám đốc sở có ông Phạm Việt Hùng (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, Trưởng Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng). Cán bộ đang giữ chức phó giám đốc và tương đương có ông Nguyễn Văn Nam (nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng), ông Lê Văn Quang (nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP)…
Theo Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, tổng số tiền những cán bộ này được nhận trung bình là 450 triệu đồng/người. Như vậy, số tiền Đà Nẵng chi ra ước tính khoảng gần 11 tỷ đồng...
Trợ cấp lần đầu 10 tháng lương cơ sở khi công tác vùng đặc biệt khó khăn
Đối tượng công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở khu vực trên không quá 5 năm.
Đây là một trong những nội dung tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vừa được Chính phủ ban hành.
Nghị định 76/2019/NĐ-CP nêu rõ, đối tượng trong quy định khi nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng này.
Trường hợp có gia đình cùng đến công tác thì còn được trợ cấp thêm các khoản như: Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi; trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình...
Vợ chồng trẻ Vân Kiều kiếm gần 150 triệu đồng/năm từ trồng rừng, nuôi dê
Tận dụng nguồn vốn vay để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đôi vợ chồng trẻ người Vân Kiều tại Quảng Trị đã tạo nên cơ ngơi vững chắc với hàng chục ha rừng tràm, phát triển đàn dê, trâu, bò… tạo ra nguồn thu nhập từ 120-150 triệu đồng mỗi năm.
Gần 15 năm trước, khi cuộc sống của phần lớn người dân Vân Kiều còn nhiều khó khăn, nhưng với tư duy đột phá, anh Hồ Văn Cường (SN 1979, trú tại thôn Ba Rầu, xã Mò Ó, huyện Đakrông, Quảng Trị) đã mạnh dạn sử dụng khoản tiết kiệm của gia đình và vay vốn để mua chiếc máy cày trị giá 15 triệu đồng nhằm hiện thực hoá mô hình trồng chuối, ngô lai, sắn, trồng rừng và kết hợp chăn nuôi bò, dê, lợn… với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Nhờ chiếc máy cày đã góp phần nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động, mở đầu cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất đối với tập quán lao động của bà con nơi đây. Qua 15 năm chịu nhiều vất vả, vợ chồng anh đã “đồng cam cộng khổ” để tạo dựng nên một nền tảng kinh tế khá vững vàng. Hiện anh Cường sở hữu 10 ha rừng cây keo tràm sắp đến tuổi khai thác, 3 ha đất màu, 5 sào lúa nước, 1 sào ao nuôi cá.
Ngoài ra, gia đình anh còn chú trọng phát triển kinh tế hộ nên chưa cần lao động làm việc. Vào thời điểm bắt đầu trồng rừng và thu hoạch, gia đình anh thường thuê thêm nhiều lao động trong vùng với mức lương từ 150.000-200.000 đồng/ngày…
Hoàng Mạnh tổng hợp