Đắk Lắk:
Nông dân thu nhập tiền tỷ từ sầu riêng
(Dân trí) - Những chuyến xe công nông tấp nập chở đầy ắp sầu riêng từ nương rẫy về các vựa thu mua mang theo niềm vui của bà con nông dân tại Đắk Lắk.
Thu "quả ngọt" từ trồng sầu riêng
Những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9, tại "thủ phủ sầu riêng" huyện Krông Pắk của tỉnh Đắk Lắk nhộn nhịp cảnh thu hái, mua bán, chế biến sầu riêng.
Đắk Lắk hiện có hơn 15.000ha sầu riêng, chiếm 17,6% diện tích của cả nước. Trong đó, Krông Pắk là vùng trồng trọng điểm với khoảng 2.500ha, sản lượng hàng năm ước đạt từ 45.000 - 50.000 tấn.
Với hơn 30 cây sầu riêng xen canh trong rẫy cà phê với diện tích 2,5ha, gia đình anh Lê Văn Thiện (42 tuổi, ngụ thôn Tân Đông, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) thu nhập ổn định.
Anh Thiện cho biết, vườn sầu riêng đã được anh trồng khoảng 12 năm nay. Vườn cây được chăm sóc kỹ lưỡng nên cho quả đều, đẹp, thương lái mua với giá khoảng 50.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm.
"Hai năm trước, do ảnh hưởng dịch Covid-19, sầu riêng của chúng tôi rất khó bán, vườn nhà thất thu. Năm nay, vừa vào mùa, sầu riêng đã bán ra được giá cao, bà con nông dân phấn khởi. So với các loại nông sản khác, tôi thấy sầu riêng cho giá trị kinh tế cao, việc thu hoạch dễ dàng, nhanh chóng không tốn nhiều công lao động", anh Thiện chia sẻ.
Một trong những người tiên phong đưa sầu riêng về huyện Krông Pắk trồng là ông Lê Trung Hiệp (65 tuổi, ngụ xã Ea Kênh). Ông Hiệp từng là cán bộ kỹ thuật tại Nông trường cà phê Phước An, năm 2003 nhận thấy cà phê một số khu vực cho năng suất thu hoạch kém, ông đã chủ động xuống miền Tây tham quan, học hỏi để đem giống sầu riêng về trồng thử.
Năm 2004, ông mang hàng nghìn cây sầu riêng trồng trên diện tích khoảng 1.000ha. Sau thời gian chăm sóc, sầu riêng đã cho kết quả ngoài mong đợi. Sầu riêng trồng tại Krông Pắk không chỉ thơm ngon đặc trưng mà còn cho năng suất cao, lợi nhuận kinh tế vượt bậc so với nhiều loại nông sản khác nhất là các loại sầu riêng Ri6, Dona.
"Tôi rất vui khi sầu riêng đã mang lại "quả ngọt" cho nông dân Krông Pắk. Nhờ sầu riêng nhiều hộ khấm khá, có của ăn của để, đời sống phát triển", ông Hiệp cho hay.
Được biết, hiện gia đình ông Hiệp đang trồng gần 10ha sầu riêng với mức thu nhập trung bình khoảng 4 tỷ đồng/năm.
Hướng tới xuất khẩu chính ngạch sầu riêng
Trao đổi với PV Dân trí, anh Trần Văn Thắng (41 tuổi) - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Xanh Krông Pắk - cho biết hiện công nhân đang tăng tốc thu hái khi sầu riêng vào vụ thu hoạch chính. Cơ sở của anh đang chuẩn bị xuất những lô hàng đầu tiên chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Theo anh Thắng, hợp tác xã liên kết 10 hộ dân trên địa bàn, hiện có 30ha sầu riêng tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra, đơn vị còn tiến hành thu mua thêm sầu riêng của nhiều vườn đạt chất lượng trong vùng để tiến hành khâu tách múi, cấp đông, lưu trữ trước khi xuất khẩu.
Cũng theo anh Thắng, hiện sầu riêng Krông Pắk rất được ưa chuộng, với định hướng xuất khẩu chính ngạch, chất lượng của sầu riêng lại càng được chú trọng.
"Chúng tôi đang chuẩn bị tốt nhất cho lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đây là giai đoạn đầu tiên và quan trọng nhất nên HTX rất cẩn thận trong các khâu. Nếu có được thị trường, chắc chắn giá trị của sầu riêng còn tăng nhiều lần, giúp phát triển bền vững và giải quyết cho số đông lao động địa phương", anh Thắng phấn khởi.
Được biết, để nâng cao chất lượng của sầu riêng, phía UBND huyện Krông Pắk tuyên truyền nông dân đẩy mạnh việc phát triển kinh tế tập thể, sản xuất sầu riêng hướng hữu cơ, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Huyện đăng ký mã vùng trồng cho trên 1.000 héc ta và hướng tới cấp thêm nhiều héc ta mã vùng trồng tại địa phương.
Đặc biệt, năm nay, huyện Krông Pắk tổ chức Lễ hội sầu riêng từ ngày 1-3/9, nhằm quảng bá, giới thiệu sầu riêng và kêu gọi đầu tư vào mặt hàng nông sản tại huyện.