Nông dân khấm khá nhờ trồng sả trên đất nhiễm mặn lãi gấp 5 cấy lúa
(Dân trí) - Nông dân chỉ cần có đất và bỏ vốn trồng sả, dù thuê hết mọi khâu sản xuất thì mỗi ha vẫn có lãi hơn 100 triệu đồng, cao gấp 5 trồng lúa.
Gần 20 năm qua, từ chỗ trồng nhỏ lẻ, diện tích cây sả ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) ngày càng được mở rộng. Hiện có nhiều xã trong huyện người dân đã bỏ hẳn trồng lúa để chuyển sang trồng sả, tạo nên những cánh đồng sả mênh mông.
Cây sả dễ trồng lại chịu hạn, chịu mặn tốt nên bất kỳ chỗ nào có đất trống người dân đều có thể tận dụng trồng sả, gia tăng hiệu quả kinh tế. Địa phương cũng đã thành lập Hợp tác xã sản xuất cây sả Tân Phú Đông nhằm tập hợp nông dân, thay đổi quy mô, quy trình sản xuất để dần xây dựng thương hiệu.
Hợp tác xã là nơi tiếp nhận kỹ thuật trồng, sơ chế cây sả để phổ biến lại cho bà con, cũng là đơn vị tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Cây sả chủ yếu được tiêu thụ ở TPHCM, tuy nhiên gần đây một số lô sản phẩm sả đã được xuất khẩu, giá trị tăng lên rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc hợp tác xã (HTX) sản xuất cây sả Tân Phú Đông cho biết, do đất canh tác trên địa bàn huyện ngày càng bị nhiễm mặn, trồng lúa rất bấp bênh, không hiệu quả nên ngày càng nhiều người chuyển đổi sang trồng sả. Hiện diện tích trồng sả trong huyện đạt hơn 2.300ha, dự kiến sẽ tăng đến 4.000ha trong thời gian tới.
"Mỗi năm nông dân sản xuất được 2 vụ sả, sản lượng khoảng 30 tấn/ha. Trồng sả tuy yêu cầu vốn lớn, nhưng giá bán sả đang ngày càng tăng. Nếu nông dân thuê hết trong mọi khâu sản xuất, giá bán tính ở mức 7.000 đồng/kg thì mỗi ha một năm có lãi hơn 100 triệu đồng, cao gấp 5 trồng lúa. Nếu người trồng tự thu hoạch thì còn lãi thêm khoảng 30 triệu đồng", ông Hùng cho biết.
Bà Đinh Thị Tám (59 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) cho biết gia đình bà có 2,5ha đất trồng sả, mỗi năm có lãi khoảng 250 triệu đồng. Nhờ trồng sả mà gia đình ngày càng khấm khá, có vốn cho con học hành và đi xuất khẩu lao động.
"Trồng sả cũng tạo việc làm cho nhiều người. Chỉ tranh thủ thời gian đi bó sả thành phẩm thì mỗi buổi một người cũng kiếm được khoảng 100 nghìn đồng. Việc dễ làm, khi nào cũng có việc, ai cũng làm được", bà Tám cho biết thêm.
Anh Võ Hoàng Huế (35 tuổi) cho biết nhờ có nhiều người trồng sả, mỗi tháng anh đi gom sả từ các hộ dân để giao cho thương lái cũng kiếm được khoảng 7 triệu đồng. Những công việc như chặt sả thuê khi nào cũng có. Nhờ trồng sả mà ai cũng tìm được việc làm phù hợp.
Lãnh đạo huyện Tân Phú Đông cho biết sả là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đang được mở rộng diện tích. Cây sả có thể chịu hạn đến 2 tháng, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở huyện. Quy trình sản xuất sả cũng đang được chuẩn hóa, hướng tới sạch, hữu cơ để xây dựng thương hiệu.