Sóc Trăng:
"Sống khỏe" nhờ táo bạo trồng nho trên đất nhiễm mặn
(Dân trí) - Chị Trần Thị Nhị (42 tuổi, ngụ thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, Sóc Trăng) đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi mỗi năm bỏ túi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng nho trên đất bị nhiễm mặn.
Năm 2020, khi trồng hoa kiểng bị thiệt hại do xâm nhập mặn nên vợ chồng chị Trần Thị Nhị quyết định thay đổi cây trồng mới vừa có giá trị kinh tế, vừa thích nghi đất mặn.
Trong một lần đến Trà Vinh tham quan vườn nho của người anh, thấy được ưu điểm và kỹ thuật chăm sóc của loài cây này vợ chồng chị Nhị quyết định mua về 30 gốc nho trồng thử với giá 250.000/cây.
"Thời điểm bắt đầu trồng nho việc khó khăn nhất là phải cải tạo và rửa đất thật kỹ cho cây nho thích nghi. Tôi trồng 3 loại nho, gồm nho kẹo, nho ngón tay và nho Ninh Thuận nhưng nho kẹo là loại phát triển tốt nhất", chị Nhị chia sẻ.
30 gốc nho được chủ vườn trồng trên diện tích hơn 100m2. Trước khi xuống giống chị Nhị cải tạo đất bằng vôi bột, bón lót phân chuồng và phân rơm hoai mục.
Thân nho đạt chiều cao từ 2m thì cắt cành để kích thích ra trái tự nhiên. Sau 15 đến 20 ngày nho trổ bông, từ thời điểm ra hoa đến thu hoạch mất tầm thêm 3 đến 4 tháng tùy giống nho. Như vậy một năm chị Nhị có thể xử lý cho nho đậu trái từ 2 đến 3 vụ.
Cũng theo chị Nhị, sau khi thu hoạch nho thì cần dưỡng cây khoảng một tháng. Nửa tháng sau, cây tiếp tục ra hoa, đến 3 tháng sau trái chín. Đặc biệt, nếu cắt nhánh nho sau mỗi vụ thu hoạch nho sẽ cho năng suất cao hơn ở các vụ tiếp theo. Vì cây còn nhỏ nhằm hạn chế cây mất sức chủ vườn chỉ để tối đa mỗi cây từ 4 đến 5 chùm, số trái trên mỗi chùm cũng được lược bỏ bớt chỉ để khoảng 30 đến 40 trái.
Ngoài trồng nho cho khách tham quan, chị Nhị còn cung cấp nho giống và nho chậu với giá từ 250.000 đến 800.000 đồng/cây. Suốt một năm qua, gia đình đã bán trên 1.000 chậu nho, tiêu thụ chủ yếu ở Sóc Trăng, mang về thêm nguồn thu nhập khá.