Nỗi niềm nghề ô sin: Bật khóc vì chiếc nhẫn kim cương của nhà chủ giàu có

"Một ngày đầu tháng 8 cách đây 3 năm, bà chủ bỗng hô hoán nhà bà bị mất nhẫn kim cương trăm triệu. Bà một mực cho rằng tôi lấy trộm nó", chị Vinh, một nữ giúp việc đang làm ở quận Thanh Xuân, Hà Nội trải lòng.

Chị Nguyễn Thị Vinh (38 tuổi, ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) kể, hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn. Chồng chị đau ốm bệnh tật, thường xuyên phải thuốc men, hai cô con gái đang tuổi ăn tuổi học. Cả 4 miệng ăn trong gia đình chị chỉ trông vào mấy sào ruộng.

Để có thêm các khoản chi tiêu, chị đành bấm bụng xa chồng con, ra Hà Nội làm giúp việc . Chị chia sẻ, nghề gì cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt nhưng có làm ô sin lâu mới biết hết những tủi nhục, nhọc nhằn trong nghề.

Nghề giúp việc nhiều khi cũng là may - rủi. May thì chúng tôi gặp được gia đình tử tế, làm lâu dài. Không may thì cũng phải chịu. Chị Vinh chia sẻ.
"Nghề giúp việc nhiều khi cũng là may - rủi. May thì chúng tôi gặp được gia đình tử tế, làm lâu dài. Không may thì cũng phải chịu". Chị Vinh chia sẻ.

Gia đình đầu tiên thuê chị làm giúp việc ở phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội. Họ gồm đôi vợ chồng trẻ và con trai gần 3 tuổi, kinh tế gia đình khá giả. Nhiệm vụ hàng ngày của chị Vinh là làm công việc nội trợ và đưa đón cậu bé đi học mầm non.

Thế nhưng ngay buổi làm việc đầu tiên, ấn tượng của chị về gia đình họ đã có chút gì đó gợn gợn.

“Ngay từ ngày đầu, tôi đã nghĩ là mình không thể gắn bó lâu dài với gia đình này bởi tôi thấy họ có điều kiện mà tiết kiệm quá mức.

Nước vo gạo hàng ngày, chị vợ nhắc tôi phải dùng để tưới cây, nước rửa rau thì dùng để dội, cọ nhà vệ sinh. Nhà có máy giặt nhưng chị ấy bảo tôi giặt đồ bằng tay cho sạch.

Đến bữa ăn, chị ấy còn phàn nàn việc tôi ăn cơm tốn gạo. Chị bảo tôi trông thế mà ăn khỏe, ở tuổi này ăn vừa đủ thôi kẻo sinh bệnh thì khổ.

Nhưng khó tin nhất vẫn là chuyện chị ấy cầm cuộn giấy vệ sinh với vẻ mặt hằm hằm bảo tôi dùng hoang phí. Chị nói: “Nhà tôi cả tháng chỉ dùng hết vài cuộn, vậy mà chị mới đến đây sống mấy ngày đã dùng hết sạch rồi. Thế này thì chỉ có nước phá sản”.

Nói đoạn, chị ấy cầm luôn cuộn giấy cất vào ngăn tủ và không quên để lại lời nhắn, ngày mai sẽ mua một loại khác rẻ hơn để tôi dùng riêng. Tủi thân vì những lời nói của chị ấy nhưng tôi cũng chỉ biết nín nhịn".

Sáng hôm sau, khi làm xong xuôi mọi việc, chị Vinh lập tức vào cửa hàng tự bỏ tiền túi mua giấy để sử dụng chứ không làm phiền nhà chủ nữa.

Sau vụ đó, chị vẫn cố gắng làm việc để hết một tháng, lấy lương xong chị xin nghỉ việc.

Rời khỏi gia đình chủ keo kiệt đầu tiên, chị Vinh được một người họ hàng xa giới thiệu làm giúp việc cho một gia đình giàu có ở quận Tây Hồ.

Hằng ngày, chị thức dậy vào lúc 6 giờ, chuẩn bị bữa sáng và cho con gái của nhà chủ ăn. Sau đó, chị sắp xếp đồ cho bé tới lớp. Khi cháu đi học ở trường, chị dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ rồi chuẩn bị bữa trưa. Buổi chiều bé về chị chơi cùng và ăn cơm tối riêng, không ăn cùng nhà chủ.

Công việc chăm con nhà giàu cũng không đơn giản. Mỗi ngày chị Vinh phải tìm mọi cách để cô bé vui chơi. Chị cũng phải bảo vệ từ việc không để con muỗi, con kiến nào được bén mảng đến gần cô bé. Vì chỉ cần thấy một vết trầy xước nhỏ, một nốt phồng xuất hiện trên da con gái là hôm đó chị bị bà chủ mắng té tát.

“Có lần, chồng ốm quá, tôi xin phép về quê. Bà chủ biết đồ quê sạch nên nhờ tôi mua hộ chục con gà. Tôi cố gắng tha lôi được ngần ấy thứ lên Hà Nội, vậy mà bà ấy không một lời hỏi han hay cảm ơn.

Đã vậy hôm đó, đi đường xa chẳng may đến nơi 5 con gà bị ngạt mà chết, bà chủ không nói không rằng tận tay ném chúng vào thùng rác”, chị Vinh tâm sự.

Rồi chị Vinh cũng kể về một kỉ niệm mà có lẽ đến cuối đời chị không thể nào quên khi giúp việc ở gia đình này.

“Đó là một ngày đầu tháng 8/2013, bà chủ bỗng hô hoán nhà bị mất nhẫn kim cương cả trăm triệu đồng và lục tung mọi nơi để tìm kiếm. Khi tìm không có kết quả, bà ta một mực cho rằng tôi ăn trộm.

“Chị ăn ở bất nhân, bất nghĩa. Tôi thuê chị làm, cho chị ăn, cho chị ở mà chị còn dám ăn trộm, ăn cắp. Chị lấy được của nhà tôi một đồng chị phải gánh ốm đau, bệnh tật, tai ương, tai họa cho nhà tôi gấp trăm gấp nghìn lần". Bao lời lăng mạ, sỉ nhục cứ thế bà chủ ném vào tôi.

Lúc đó, tôi chỉ biết quỳ xuống vừa khóc vừa phân bua mà bà ta cũng chẳng để tâm đến. Hai ngày sau, bà bí mật thuê thám tử điều tra thì mới hay kẻ cắp không ai khác chính là em trai ruột bà ta.

Lúc bấy giờ bà ta mới nói tiếng xin lỗi tôi nhưng sau cú sốc đó, tôi xin phép bà ấy nghỉ việc luôn”, chị Vinh trải lòng.

Chị Vinh cũng tâm sự: “Không phải gia đình nào cũng khó tính. Tôi cũng từng gặp nhà chủ rất tốt bụng, họ coi tôi như người thân trong gia đình. Bên cạnh sự hỏi han, động viên hằng ngày thì những những ngày lễ, Tết, họ thường xuyên biếu thêm tiền, quà bánh…

Thế nên người trong nghề chúng tôi phải thừa nhận, nghề giúp việc nhiều khi cũng là may - rủi. May thì chúng tôi gặp được gia đình tử tế, làm lâu dài. Chẳng may vào gia đình không tốt, thì lúc ấy cũng phải chấp nhận”.

Theo H.Thúy/Vietnamnet.vn