1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Nơi nào xa và khó nhất, đều có nhân viên chữ thập đỏ”

(Dân trí) - “Tôi cảm phục các tấm gương hội viên Hội chữ thập đỏ VN từng hiến máu hàng chục lần, phát động sáng kiến ngân hàng bò thành phong trào chung trong cả nước. Rồi những nơi bão lũ tàn phá miền Trung hay rét đậm rét hại ở cực bắc, chúng ta đều thấy thành viên của Hội xuất hiện nhanh chóng”.


Lễ ký giai đoạn 2017-2020 giữa Bộ LĐ-TB&XH và Hội Chữ thập đỏ VN.

Lễ ký giai đoạn 2017-2020 giữa Bộ LĐ-TB&XH và Hội Chữ thập đỏ VN.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ những cảm nhận về công việc của những nhân viên chữ thập đỏ tại Lễ ký kết hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và Hội chữ thập đỏ VN giai đoạn 2017-2020. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 6/7 tại Hà Nội.

Tạo nhiều mảng "sáng" cho xã hội

Nhận định về công việc của 8,5 triệu hội viên Hội Chữ thập đỏ VN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng nhiều hoat động của hội viên đã thể hiện sự năng động, sáng tạo và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các cấp Hội đã cùng ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, đặc biệt là gia đình thương binh liệt sĩ, người có công.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH phân tích mối quan hệ khăng khít của lĩnh vực LĐ-TB&XH và Hội chữ thập đỏ: “Hai lĩnh vực đều có chung đối tượng quan tâm là người yếu thế, trẻ mồ côi người khuyết tật. Ngành LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước, chủ yếu xây dựng chính sách, tổ chức thực thi và kiểm tra giám sát việc thực thi. Còn việc tổ chức thực hiện chính sách do các tổ chức xã hội, trong đó có vai trò chính của Hội chủ thập đỏ VN”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Hoạt động Hội chữ thập đỏ VN đã làm vơi đi mảng "tối" trong xã hội và tăng thêm những mảng "sáng" của xã hội”.

Chắp nối niềm tin cho triệu người

Theo ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), giai đoạn 2013-2018, các cấp Hội và ngành LĐ-TB&XH đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động và đạt hiệu quả ở nhiều lĩnh vực trợ giúp xã hội.


Hội chữ thập đỏ hỗ trợ nạn nhân lũ lụt tại Yên Bái năm 2016 (Nguồn ảnh: Hội Chữ thập đỏ VN)

Hội chữ thập đỏ hỗ trợ nạn nhân lũ lụt tại Yên Bái năm 2016 (Nguồn ảnh: Hội Chữ thập đỏ VN)

Hai bên đã triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, từ 2013-2016 đã hỗ trợ cho trên 1,486 triệu lượt người, với tổng trị giá trên 218 tỉ đồng các hỗ trợ: Khám sàng lọc, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc tại nhà, cung cấp các vật dụng.

Hội chữ thập đỏ đã triển khai Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, từ năm 2013 đến năm 2017 đã vận động, trao tặng 9,77 triệu suất quà cho 9,77 triệu lượt hộ hưởng lợi với trị giá trên 3.464 tỉ đồng.

Về đào tạo nghề và tạo việc làm, Hội đã triển khai dạy nghề cho trên 1.500 người khuyết tật tại Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam, Lâm Đồng và Bình Thuận, phối hợp với các Trung tâm phục hồi chức năng của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Quy Nhơn, Đà Nẵng khám, phẫu thuật và phục hồi chức năng cho trên 4.000 lượt người khuyết tật.

Xây dựng và thực hiện mô hình Dự án “Ngân hàng bò” với nhiều nét sáng tạo mới, vận động được 21.000 con bò sinh sản để hỗ trợ cho trên 21.000 hộ hưởng lợi, trị giá trên 238 tỉ đồng…

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hồi, hai bên đặt ra định hướng chính nhằm thực hiện đồng bộ và hiệu quả giai đoạn 2017-2020, như: Phối hợp tuyên truyền các giá trị nhân đạo, giáo dục truyền thống nhân ái của dân tộc; phối hợp tổ chức hoạt động hỗ trợ người khuyết tật, đào tạo nghề cho người khuyết tật và lao động xuất khẩu; tổ chức vận động nguồn lực cho các hoạt động trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng;

“Đồng thời, 2 bên tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình trợ giúp xã hội, phong trào đền ơn đáp nghĩa, trợ giúp thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công, nạn nhân chất độc da cam; tham gia thực hiện chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em: phòng chống tai nạn thương tích...” - ông Nguyễn Văn Hồi nói.

Tại Lễ ký, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ, các sở LĐ-TB&XH cùng các ban của Hội cùng nghiên cứu và cụ thể hoá các nội dung triển khai trong năm 2018, ví dụ: Người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ trẻ em, dạy nghề cho người khuyết tật… Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề xuất đưa chương trình nhắn tin của Hội vào tối 26/7, trong chương trình cầu truyền hình tại nhiều địa phương trong cả nước nhân 70 Năm ngày Thương binh liệt sĩ và chương trình kỷ niệm sáng 27/7/2017 tại Hà Nội.

Hoàng Mạnh