1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nỗi lòng người lao động không về quê đón Tết

Tết là khoảng thời gian mọi người dân Việt Nam mong chờ nhiều nhất trong năm. Bởi thời khắc ấy những người thân yêu trong đại gia đình được đoàn tụ. Người đi xa, mong mỏi được về quê hương, người ở nhà ngóng trông những người thân xa quê trở về.

Bữa cơm tất niên chia tay những NLĐ về quê đón tết và những người ở lại đón tết Cty tại thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Nga
Bữa cơm tất niên chia tay những NLĐ về quê đón tết và những người ở lại đón tết Cty tại thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Nga

Cố gắng kiếm thêm tiền dịp Tết

Mỗi năm Tết về, bất kì ai cũng mong được quây quần với gia đình, xum họp bên mâm cơm ngày Tết. Nhưng vì công việc mưu sinh, vì miếng cơm manh áo, mà không ít NLĐ không thể có cái Tết trọn vẹn. Những NLĐ này đã chọn ở lại làm những ngày Tết để được nhận 300% tiền lương để có thêm thu nhập gửi về gia đình.

Khi chúng tôi hỏi chị Lâm Thị Trang (sinh năm 1989, quê Lạng Sơn ) ở khu trọ thôn Bầu (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) về việc chuẩn bị Tết như thế nào, chị Trang cười buồn: “Tôi làm việc ở Cty mấy năm rồi, nhưng năm nay mới ở lại làm Tết. Và tôi đi làm từ mùng 2 nên cũng không về nhà nữa và ở lại phòng trọ. Cuối năm tới mình muốn giúp bố mẹ xây nhà, nên phải bắt đầu kiếm tiền “gấp” và lương của những ngày làm Tết này gấp ba lần ngày thường… Có thêm tiền thì bố mẹ tôi đỡ khổ. Nhìn người ta nườm nượp về nhà đón Tết, tôi cũng thèm lắm!”.

Mấy hôm trước, chị Trang cũng đã gửi về cho bố mẹ mấy bộ quần áo mới để đón Tết. “Khi tôi nói, Tết ở lại làm, mẹ tôi đã khóc. Tôi đã phải an ủi mẹ rất nhiều, hứa là giằm tháng giêng tôi sẽ về, thì bố mẹ tôi mới cho ở lại” – chị Trang chia sẻ.

Chị Ngô Thị Nhung (sinh năm 1996, quê Nam Định, cũng làm tại một Cty nước ngoài ở Thái Nguyên) tâm sự: “Cty có dán thông báo làm cả trong Tết , nên tôi đăng kí làm từ mùng 2. Chúng tôi làm theo kíp 12 tiếng, làm 4 ngày thì nghỉ 2 ngày, nên tôi sẽ tranh thủ về nhà từ chiều 28 Tết rồi chiều mùng 2 lên làm. Tôi đã định không về, mà ở lại xóm trọ luôn. Nhưng khi thông báo, bố mẹ tôi đã giục về. Dù được nghỉ 1 ngày cũng phải về đoàn tụ với gia đình trong giây phút giao thừa đón năm mới - mẹ tôi bảo thế. Nhưng tôi nghĩ rằng mình đang còn trẻ, còn lao động được, tôi sẽ cố gắng kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ gia đình tôi”.

Dành Tết làm từ thiện

Sẽ ít ai nghĩ tới rằng NLĐ họ sẽ đi làm từ thiện, đặc biệt hơn là từ thiện vào ngày mùng 1,mùng 2 Tết. Chỉ những người sống trong hoàn cảnh của NLĐ thì mới thấu hiểu hết khó khăn và khổ cực cả về vật chất lẫn tinh thần mà NLĐ đã trải qua. Với những NLĐ không có gia đình, thì việc mang lại một chút niềm vui cho người cùng cảnh ngộ, chính là hạnh phúc khi tết đấn xuân về.

Anh Vũ Mạnh Nam (sinh năm 1981, trọ tại Thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh) là lao động tự do tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên cho hay: “Với riêng tôi thì tết đến là lúc buồn nhất vì không còn ai bên cạnh. Tất cả những CN xóm trọ về quê hết, một mình tôi, một xóm trọ.Tết với tôi không bằng ngày thường”. Anh Nam tâm sự: “Tôi là trẻ mồ côi, từ nhỏ đã được sư thầy chùa Bồ Đề (Xân Quang, Long Biên) đem về nuôi. Vì thế tôi không biết bố mẹ mình là ai. Vậy nên, tôi không có quê hương, không có gia đình, nên biết đi về đâu khi Tết về.” Nói đến đây, nước mắt anh như trực trào ra.

Anh Nam chia sẻ về những ngày Tết của mình: “Tết với tôi là các công việc làm thêm để kiếm tiền. Năm nay tôi sẽ đi bán hoa vào dịp Tết, rồi đi làm tại các quán ăn, nhà hàng… Tất cả số tiền tôi kiếm được sẽ đi làm từ thiện. Tôi sẽ đi phát tất, quần áo… cho những người vô gia cư và những ngày mùng 1, mùng 2… Tết. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ nỗi khổ của người vô gia cư, họ không có nhà để đi, không tiền để về, mà cũng có người còn không biết quê hương mình giống như tôi. Bao năm nay, sống một mình, tôi đi làm kiếm tiền, trả tiền thuê nhà, sinh họat cá nhân, còn lại tôi đều đi ủng hộ, đi làm từ thiện cho những đứa trẻ nghèo vùng cao, hay những mảnh đời khó khăn…”

“Tết với tôi là chuỗi ngày buồn. Nhìn những người lao động giống tôi, năm hết, tết đến họ chuẩn bị quà, quần áo, sắm sửa về quê ăn Tết. Nô nức, háo hức. Còn tôi, chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ. Nhìn gia đình họ hạnh phúc cười nói, tôi thấy đau lòng. Tôi đã từng ao ước mình cũng có một gia đình, một cuộc sống bình dị với bố, mẹ và anh em. Để Tết về, tôi có thể mua tặng họ những bộ quần áo do tay tôi chọn, được quây quần bên nồi bánh chưng, được cảm nhận cái Tết bên những người thân yêu. Nhưng dường như điều đơn giản đó quá khó với tôi. Không phải tôi không đi tìm gia đình, quê hương. Hơn 20 năm rồi, tôi miệt mài tìm kiếm, nhưng vẫn không chút tin tức. Bởi vậy,với tôi bây giờ giúp đỡ được càng nhiều người, là điều tôi mong muốn. Niềm vui của họ, là hạnh phúc, là Tết của tôi…”.

Theo Báo Lao động