Thanh Hóa:

Nợ đóng BHXH - rào cản khiến người lao động mất quyền lợi

Bình Minh

(Dân trí) - Ngoài gần 2.000 doanh nghiệp nợ BHXH, còn nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa đang trốn đóng BHXH. Đây là rào cản khiến người lao động không tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Con số không thể thống kê

Dịch Covid-19 diễn ra khiến hầu hết các ngành, nghề đều bị ảnh hưởng, đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, spa… Nhiều đơn vị doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực này không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ).

Chị Nguyễn Thị Liên có 3 năm làm việc liên tục cho cơ sở spa trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Nhưng chị không có hợp đồng lao động nên cũng không được đóng BHXH.

"Không chỉ tôi mà các nhân viên ở đây cũng đều không có hợp đồng lao động và không được đóng BHXH", chị Nguyễn Thị Liên nói.

Trong khi đó, chủ một đơn vị vận tải trên địa bàn huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) giải thích việc  nhiều lái xe lâu năm không có nhu cầu đóng BHXH. Vì thế, doanh nghiệp cũng không đóng BHXH cho họ.

Nợ đóng BHXH - rào cản khiến người lao động mất quyền lợi - 1

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH khiến ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi NLĐ.

"Nếu đóng BHXH thì mỗi tháng họ bị trừ đi mấy trăm nghìn trong số tiền lương nên họ không muốn. Số lao động này bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch, tuy nhiên không có BHXH nên họ không được hưởng gói hỗ trợ của Nhà nước", bà chủ đơn vị vận tải này cho hay.

Theo ông Trương Minh Châu, Giám đốc BHXH thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa), câu chuyện về NLĐ làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nhưng không được đóng BHXH đã diễn ra khá phổ biến.

Do là thành phố du lịch, NLĐ làm thời vụ nhiều, thời điểm mùa hè có khi lên hàng chục nghìn lao động nhưng không được tham gia BHXH.

"Nhiều đơn vị có cả hàng chục lao động, tuy nhiên trong đó sẽ có một bộ phận là lao động đã ở tuổi nghỉ hưu họ làm thêm nhưng số lao động trong độ tuổi đóng BHXH cũng khá nhiều. Thế nhưng, đơn vị chỉ đăng ký đóng cho 5-7 người còn lại là trốn hết. Họ lách luật bằng cách không ký giao kèo hợp đồng với NLĐ", ông Trương Minh Châu cho biết.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thu, BHXH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, số lao động làm việc tại các đơn vị từ một tháng trở lên mà không được đóng bảo hiểm sẽ rất lớn, con số này khó thống kê.

Rào cản quyền lợi của NLĐ

Chuyên gia chính sách công đề xuất khắc phục tình trạng nợ đọng bảo hiểm

Theo BHXH tỉnh Thanh Hóa, toàn thành phố Sầm Sơn có 182 doanh nghiệp thì có đến 128 đơn vị nợ bảo hiểm với tổng số tiền 13,5 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Thành Công với 5 lao động, nợ 48 tháng với 240 triệu đồng; khách sạn Biển Nhớ 38 tháng với 6 lao động, nợ 310 triệu đồng; Công ty Sông Gianh nợ 34 tháng…

"Khi xét hỗ trợ thì doanh nghiệp phải đảm bảo nộp tiền xong hết trước tháng 4/2021. Có những đơn vị nợ 1-2 tháng thì có thể xem xét được chứ những đơn vị như trên thì khó có cơ hội cho NLĐ tiếp cận gói hỗ trợ. May ra họ được hỗ trợ theo dạng lao động tự do", ông Trương Minh Châu khẳng định.

Một thực trạng khiến NLĐ không được tiếp cận gói hỗ trợ là do họ bị doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm, không có hợp đồng giao kèo. Về vấn đề này, BHXH thành phố Sầm Sơn cũng đã có văn bản tham mưu cho thành phố nhưng ngành chức năng cho rằng khó giải quyết.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, tình hình nợ đọng bảo hiểm trong doanh nghiệp đã ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT và quyền lợi của NLĐ.

Cụ thể, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ, nhất là khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ. Bên cạnh đó, một số NLĐ đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí, khiến cuộc sống của họ luôn bấp bênh trước những áp lực của cuộc sống.

Ngoài ra, việc nợ đóng BHXH còn ảnh hưởng đến quyền lợi giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp khi NLĐ nghỉ việc chưa tìm kiếm được việc làm mới…

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết ngày 31/7, trên địa bàn tỉnh có 1.860 đơn vị doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ là 386,326 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty TNHH 1 thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 56 lao động, nợ 68 tháng với số tiền 13,780 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lilama 5 có 136 lao động, nợ 39 tháng với số tiền 13,750 tỷ đồng; Xí nghiệp Sông Đà 10.5 có 240 lao động, nợ 20 tháng với số tiền 7,461 tỷ đồng…

Có tình trạng một số doanh nghiệp có số nợ lớn, lao động ít hoặc đã giảm hết, thời gian nợ kéo dài, đã thực hiện thanh kiểm tra nhiều lần nhưng không thu hồi được nợ.