Những vị sếp mang họ “Hứa”
(Dân trí) - Khởi đầu một năm khủng hoảng kinh tế, trong buổi họp đầu năm, sếp là hồ hởi: Nếu kết thúc năm tài chính, tình hình kinh doanh thuận lợi, nhân viên sẽ được đi du lịch nước ngoài, lương không bị cắt giảm và còn được thưởng thêm…
Những nhân viên mới làm được 1, 2 năm xôn xao bàn tán: Có được đi nghỉ không nhỉ? Tiền thưởng sẽ công khai hay gửi riêng vào tài khoản cá nhân?... Riêng sếp vẫn lặng im như… cần phải thế. Còn những người đã làm việc lâu năm thì chỉ nhìn nhau cười ý nhị. Họ đã quán quen tính cách của vị sếp họ “Hứa” này rồi.
Trong hầu hết các cuộc họp, sếp thường nói chắc như đinh đóng cột về những vấn đề phúc lợi của nhân viên: Nào là sẽ mua thêm bảo hiểm cho vợ con nhân viên, tiền thưởng quý năm sẽ được chuyển trong vòng 1 tuần kể từ buổi họp hôm nay, nâng cấp văn phòng làm việc và tăng thêm tiền ăn trưa… Những vấn đề như thế sếp cứ vô tư nói, và nhân viên khi đã quen thì sẽ vô tư đợi, bởi có những việc sếp chỉ “chậm” chứ không phải là thất hứa.
Chẳng thế mà có người vào làm đã lâu lắm nhưng do đòi hỏi không quyết liệt nên đến giờ vẫn chưa có hợp đồng lao động chính thức, điều đó đồng nghĩa là có thể còn chưa có sổ bảo hiểm, mặc dù tiền bảo hiểm vẫn bị trừ đều đều. Còn việc gì mà mãi không thấy có “động tĩnh” gì nữa thì y như rằng đã bị sếp ỉm đi mất rồi. Thế nên một năm chỉ có một ngày nói dối, nhưng nhân viên ở công ty thì có khi được nghe mấy lời “cuội” và bị cho leo cây dài dài.
Với một ông sếp hay hứa, nhân viên cần biết lên tiếng: Hãy đòi hỏi, hãy yêu cầu, hãy nêu lên nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mình, hãy biết lôi kéo đồng minh, tạo sức ép bền vững từ những nhân viên để bắt buộc sếp phải thực hiện những lời hứa của mình.
Bạn là một nhân viên chăm chỉ và cần mẫn, bạn xứng đáng được nhận những gì tương xứng với công sức của mình chứ không chỉ là những lời nói suông của sếp.
Uyên Nhi