Những vị sếp mà chúng ta yêu mến

(Dân trí) - Để trở thành một vị sếp đáng kính trong lòng nhân viên là việc làm không hề đơn giản, thế nhưng mong ước đó sẽ trở thành sự thật nếu bạn làm theo nghiên cứu mới đây của tờ BussinessWeek về 7 vị sếp khiến nhân viên khâm phục và yêu quý.

1. Sếp biết lắng nghe: Chắc chắn bạn sẽ rất khó chịu khi sếp vừa đọc email vừa nghe thắc mắc của bạn, thỉnh thoảng lại xen vào “uh-hmm, đúng vậy”, và sau đó đột nhiên quay ra nhìn bạn hỏi một cách cáu kỉnh “Anh/ chị đang nói gì vậy?”.
 
Ngược lại, những sếp biết lắng nghe và chia sẻ giành được nhiều thiện cảm từ phía nhân viên. Đặc biệt họ sẽ rất ấn tượng nếu sếp nhớ được cả những điều mà họ nói từ buổi họp rất lâu rồi.

2. Sếp biết chia sẻ: Thật khó để cho những sếp không nhận ra hay không quan tâm biết rằng, bạn cần thêm thông tin chi tiết nữa để hoàn thành dự án. Cũng thật khó để tìm hiểu xem tại sao sếp biết về những số liệu quan trọng nhưng không chia sẻ với bạn cho tới khi bạn lãng phí cả tuần vào một dự án mà cuối cùng bị huỷ bỏ. Những sếp như vậy sẽ không mấy giành được sự tín nhiệm của nhân viên. Nếu sếp biết chia sẻ, nhiệt tình trong công việc thì không những tạo ra lợi nhuận cho công ty mà còn giành được sự thương yêu từ nhân viên. 

3. Sếp biết quyết định: Khi bạn làm việc cho Jim, bạn nghĩ rằng “Anh ấy thật giỏi và dễ gần”. 6 tuần sau, tấm màn được kéo xuống và sự thật là: Jim giỏi đến nỗi không thể tự mình quyết định việc gì cả. Có những sếp như vậy quả là một sự tra tấn cho nhân viên.
 
Chúng ta thường đánh giá cao những sếp tự mình quyết định mọi thứ một cách dứt khoát dù đôi khi có thể nó không theo ý chúng ta.

 4. Sếp chú ý, quan tâm tới nhân viên: Vào lúc 7h tối, bạn đang chờ xe buýt để về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, thì điện thoại của bạn rung lên. Nhìn vào màn hình, bạn thấy số của sếp mình và nghĩ rằng “Ôi không, tôi đã mệt lắm rồi”. Sau đó bạn nghe thấy sếp nói: “Jake a? Tôi gọi chỉ để nói rằng hôm nay anh đã làm việc rất tốt và tôi cần anh cố gắng phát huy. Cám ơn anh rất nhiều”. Lúc đó chắc chắn bạn cảm thấy thật vui và thoải mái bởi những cố gắng của bạn sau ngày làm việc đã được ghi nhận.

Thật tuyệt vời khi được làm việc với những người luôn dành thời gian để nói lời cảm ơn và cho bạn biết rằng bạn là người tạo ra sự khác biệt trong công việc. 

5. Sếp biết cách điều hành nhân viên: Sếp tồi thường bắt bẻ lỗi của bạn và biến chúng thành những thảm hoạ. Còn sếp tốt lại tận dụng những sai lầm để hiểu thêm về nhân viên. Họ sẽ không quát tháo ầm ĩ hay la mắng bạn. Họ sẽ đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu nguyên nhân và giúp bạn khắc phục cho những lần sau. Và chắc hẳn chúng ta ai cũng yêu mến những sếp như vậy.

6. Sếp nói thật với nhân viên: Một trong những công việc khó khăn của sếp là thông báo những tin xấu, đó là lí do nhiều người không làm việc này. Họ thường quanh co hay nói bóng gió cho tới khi các nhân viên như phát điên lên.
 
Hãy biết ơn những sếp cho bạn biết cái gì đang diễn ra và tin nào là xấu. Sếp đối mặt trực tiếp với những khó khăn và cùng nhân viên của mình vượt qua là người mà chúng ta rất yêu mến và kính trọng. 

7. Sếp cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng: Sếp là người bình thường và cũng có cuộc sống riêng. Chúng ta yêu quý những sếp cân bằng được cuộc sống và công việc, biết cách tạo ra lợi nhuận cho công ty, biết ủng hộ nhân viên và biết khi nào nên tạm gác công việc để xem một trận bóng hay một vở opera. 

Vũ Vũ
Theo BW