Những thói quen ngăn cản bạn dậy sớm
Ngủ dậy muộn đồng nghĩa với đi làm muộn, công việc lỡ dở, trừ lương phạt tiền...
Tôi đã dành 2 năm qua để giúp 500 người có khả năng... dậy sớm. Sau một thời gian nói đi nói lại với những khách hàng cùng về vấn đề dậy sớm, tôi bắt đầu nhận ra các nguyên nhân của họ và thấy những nguyên này chính là niềm tin sai lầm dẫn tới việc dậy muộn.
Nếu bạn muốn duy trì thành công một thói quen, một trong những điều quan trọng là bạn phải có niềm tin và quan điểm đúng đắn. Nếu niềm tin của bạn sai ngay từ đầu thì khó mà duy trì được.
Dưới đây là một số niềm tin sai lầm phổ biến nhất về thói quen dậy sớm.
1. Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn trong ngày
Chúng ta vốn không muốn dậy sớm mà chỉ muốn có nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, việc dậy sớm không tự nhiên tạo ra thêm vài giờ đồng hồ trong ngày. Lượng thời gian này phải bắt nguồn từ một nguyên nhân khác, thường là nhờ bạn đi ngủ sớm.
Để có thể dậy sớm, điều đơn giản nhất là đi ngủ sớm.
Tôi cũng đã nghe nói đến những doanh nhân tuyệt vời tự hào về việc ngủ 4 tiếng/ngày mà vẫn làm việc hiệu quả. Nhưng trong 500 khách hàng mà tôi đã huấn luyện, không ai có thể hoạt động bền bỉ mà không ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày.
Vì vậy, nếu thực sự nghiêm túc tập luyện thói quen ngủ đủ, bạn phải điều chỉnh lại các ưu tiên của mình. Xin lỗi nhé, bạn không thể có tất cả.
Vậy, nếu vấn đề chỉ là “ngủ sớm - dậy sớm” thì điều này có lợi ích gì?
Lợi ích thực sự là bạn có thể tận dụng sự hứng khởi của mình vào buổi sáng và hoàn thành nhiều việc hơn so với tối hoặc đêm. Bạn cũng sẽ có một khoảng thời gian yên tĩnh và không bị gián đoạn vì những người khác còn đang ngủ.
2. Người ngăn nắp, thường xuyên dậy sớm là do di truyền
Niềm tin tự giới hạn bản thân nhiều nhất chính là nghĩ rằng dậy sớm là khả năng “trời ban.”
Tôi đồng ý rằng nhiều người có xu hướng trở thành “cú đêm” là do gien di truyền. Nhưng vậy thì sao? Chẳng lẽ lại biến đây thành một cái cớ.
Thức dậy sớm là một thói quen mà ai cũng có thể luyện tập, giống như tập thể dục, ăn uống lành mạnh. Một thói quen có thể dễ dàng hơn đối với một số người và khó khăn hơn với những người khác, nhưng cuối cùng, tất cả đều giống nhau. Nếu nỗ lực và tập trung năng lượng vào thói quen đó, bạn có thể dậy sớm mà chẳng có gì liên quan tới di truyền.
Tôi đã “ngủ nướng” trong suốt 20 năm đầu tiên của cuộc đời mình. Dù đã cố gắng bước xuống giường, tôi vẫn phải trải qua buổi sáng trong trạng thái lơ mơ.
Tôi đã có thể vượt qua tình trạng khó khăn đó, vậy tại sao bạn lại không?
Dù di truyền có cho bạn nhiều tính trạng lặn, ý thức và sự kỷ luật mới làm nên bạn.
3. Quá vội vàng thay đổi nhịp sinh học
Giả sử bạn muốn bắt đầu thức dậy lúc 5 giờ sáng mỗi ngày. Bản năng đầu tiên của bạn là hào hứng đặt báo thức lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau.
Làm ngay và không cần phải trì hoãn..., đúng không nào? Điều này cũng giống như đến phòng tập thể dục lần đầu tiên và cố giảm gần chục ký vậy.
Lý do chính khiến điều đó không hiệu quả là cơ thể có nhịp sinh học của nó. Để thay đổi nhịp sinh học này và thức dậy sớm hơn thì bạn cần phải có thời gian. Bạn không thể thay đổi chỉ sau một đêm và mong mình sẽ cảm thấy khỏe khoắn vào sáng hôm sau.
Vậy giải pháp là gì?
Hãy thực hiện từ từ. Hãy thay đổi giờ ngủ và giờ dậy của bạn vài phút mỗi ngày, thay vì ngay lập tức. Điều đó sẽ cho cơ thể cơ hội điều chỉnh nhịp sinh học.
4. Ngày cuối tuần là để ngủ bù
Như ta đã nói, cơ thể có nhịp sinh học, nó không đặc biệt quan tâm liệu hôm nay có phải là ngày cuối tuần hay không. Cơ thể thích sự nhất quán, do đó bạn càng duy trì giờ ngủ ổn định mỗi ngày thì thói quen dậy sớm của bạn sẽ duy trì càng lâu.
Đi ngủ muộn vào cuối tuần cũng giống như làm xáo trộn nhịp sinh học của cơ thể vào các ngày khác. Tại sao bạn lại "bẩn tính" với nhịp sinh học của mình đến vậy?
Nếu bạn xây dựng thói quen này một cách đúng đắn và ngủ đủ giấc mỗi ngày, thì bạn sẽ không cần ngủ bù vào cuối tuần.
Tất nhiên, khi đã quen và thức dậy cùng một thời điểm trong một hoặc hai tháng, bạn có thể cho mình một vài ngoại lệ như một, hai ngày ngủ dậy trễ hoặc thức đêm một chút. Điều này sẽ không phá hủy thói quen của bạn.
5. Có thể dạy sớm mà không cần báo thức
Đồng hồ báo thức có lẽ là điều tồi tệ nhất đối với người hay thức đêm. Họ muốn tránh nó càng xa càng tốt. Tôi từng là “cú đêm” nên biết rất rõ.
Tuy nhiên, đồng hồ báo thức không tệ đến thế. Ban đầu hãy đặt báo thức chỉ sớm hơn 5 - 10 phút để giúp bạn làm quen. Bạn cần làm quen trước, đồng hồ báo thức là một công cụ tuyệt vời cho việc này.
Nếu âm thanh báo thức truyền thống không hợp với bạn, hãy thử một vài lựa chọn khác: thứ âm nhạc khó chịu, tiếng máy khoan...
Theo Doanh nhân Sài gòn