An toàn lao động và phòng chống cháy nổ:
“Sẽ trả giá đắt nếu đổi sức khoẻ người lao động lấy mục tiêu kinh tế”
(Dân trí) - “Năm 2016 vẫn có gần 8.000 vụ tai nạn lao động làm hơn 800 người chết, gần 3.300 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp. Vậy, chúng ta phải có hành động gì và ở đâu để kiểm soát rủi ro? Nếu vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi sức khoẻ, chúng ta sẽ phải trả giá đắt”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ sự quan tâm về những nhưc nhối trong lĩnh vực an toàn lao động tại Lễ phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động lần thứ nhất năm 2017.
Chương trình năm nay có chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ VN và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng 18/5 tại Hà Nội.
Bên cạnh việc đánh giá những kết quả đã làm được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn thừa nhận những thực tế đáng lo ngại trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động năm 2016.
“Chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ có nguyên nhân từ ý thức, kỷ luật lao động kém; kiến thức hạn chế về các yếu tố, nguy cơ mất an toàn từ công nghệ, thiết bị, hóa chất, nguyên vật liệu mới” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, so với năm 2015, năm 2016 có số vụ tai nạn lao động tăng gần 5% và số người chết do TNLĐ tăng gần 7%, cả nước xảy ra 3006 vụ cháy, làm 98 người chết, 180 người bị thương và thiệt hại 1.250 tỉ đồng...
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn lao động do yếu tố chủ quan của con người chiếm tới 60%.
Trong đó, người sử dụng lao động đã không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn; không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện chưa đầy đủ. Người lao động còn vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn an toàn lao động và không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thường xuyên, việc xử lý đối với các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm còn hạn chế nên chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm.
Tại Lễ phát động, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đề nghị các cơ quan chức năng, huy động các nguồn lực để đa dạng các hình thức huấn luyện, xây dựng các cơ sở đào tạo, huấn luyện chất lượng; đầu tư xây dựng các giải pháp, mô hình điển hình đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động để nhân rộng ra trong cả nước.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, người lao động cũng cần chủ động chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các nội qui, qui trình, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động; chủ động trang bị, trau dồi các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn.
“Việc tổ chức các hoạt động cần cụ thể và thiết thực hưởng ứng Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động; triển khai các chiến dịch thanh tra và xử lý nghiêm khắc các vi phạm an toàn lao động” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Đồng quan điểm với đại diện ngành LĐ-TB&XH, ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực và tiến bộ mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được với việc thông qua và thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động.
“Luật An toàn vệ sinh lao động là sự đánh dấu nỗ lực mở rộng phạm vi bảo vệ tới cả khu vực kinh tế phi chính thức. Qua đó, hàng ngàn khóa tập huấn chuyên môn về an toàn được triển khai mỗi năm đã giúp môi trường làm việc tại Việt Nam trở nên an toàn và đảm bảo sức khỏe hơn” - ông Chang Hee Lee nói.
Được biết, thời gian qua, ILO đã đồng hành với Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động tại Việt Nam nhằm thúc đẩy môi trường làm việc an toàn và đảm bảo sức khỏe người lao động, thông qua việc xây dựng hồ sơ quốc gia, bộ tài liệu đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ các chiến dịch thanh tra tới khảo sát về hành vi an toàn, sức khoẻ lao động...
Hoàng Mạnh
Tin An toàn lao động:
Thanh Hoá: Tổ chức Hội nghị triển khai tháng hành động an toàn vệ sinh lao động
Ngày 28/4, Sở LĐ-TB&XH tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ I, năm 2017. Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ của tỉnh được tổ chức vào ngày 7/5, tại UBND huyện Yên Định.
Theo đó, Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ I, năm 2017 diễn ra từ ngày 1 đến 30-5-2017, với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH đã thông qua dự thảo báo cáo công tác ATVSLD năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017; hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động; kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ I, năm 2017. Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ của tỉnh được tổ chức vào ngày 7/5, tại UBND huyện Yên Định. Trong thời gian diễn ra tháng hành động, các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền công tác ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp đến người lao động nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; tăng cường hướng dẫn người sử dụng lao động, tập huấn, huấn luyện cho người lao động về công tác ATVSLĐ; tổ chức các đoàn kiểm tra các doanh nghiệp, làng nghề có nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ...
T.H
Tập huấn tuyên truyền, phổ biến an toàn, vệ sinh lao động năm 2017
Liên đoàn lao động thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) vừa phối hợp với phòng LĐ-TB&XH thành phố tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến ATVSLĐ năm 2017 cho Chủ tịch, phó Chủ tịch công đoàn cơ sở các doanh nghiệp trên địa bàn.
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về vệ sinh lao động, thực thi có hiệu quả Luật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được phổ biến các nội dung cơ bản về: Luật An toàn vệ sinh lao động; các quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của người sử dụng lao động, người lao động và của tổ chức công đoàn, mạng lưới an toàn viên đối với công tác ATVSLĐ; phương án sử dụng lao động; trợ cấp mất việc làm; phương pháp nhận biết các yếu tố nguy hại, những rủi ro thường gặp trong lao động; biện pháp phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, độc hại gây tai nạn lao động; quy trình làm việc an toàn, các phương pháp xử lý sự cố…Qua lớp tập huấn, nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về an toàn lao động cho cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ của từng đơn vị, để có biện pháp triển khai, phòng ngừa, cũng như ứng phó khi có tai nạn lao động xảy ra với mục đích hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong quá trình sản xuất.
V.P