Những phận người ngụp lặn mưu sinh trên nhánh sông Cần Thơ

Hàng ngày, qua lại trên một nhánh sông Cần Thơ, đoạn rạch Cái Khế (thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), dễ dàng thấy những người già, phụ nữ, trẻ em dầm mình trong dòng nước đục, chỉ để lộ phần đầu ngoi ngóp, mò mẫm mưu sinh.

Lớp 6 bỏ học mưu sinh cùng mẹ

Với tốc độ đô thị hóa khá nhanh, rạch Cái Khế ngày nay hai bên bờ san sát nhà cao, cửa rộng, đủ đầy dịch vụ nhà hàng, quán nhậu, karaoke, cafe.... Đối lập với cảnh hưởng thụ trên bờ, dưới sông lại là những cảnh mò mẫm, ngụp lặn mưu sinh của những người lao động nghèo, lam lũ với nghề mò hến, bắt ốc.

Ngụp lặn từ sáng tới non trưa, đoạn gần cầu Ninh Kiều, nhưng mẹ con chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết cũng mới chỉ bắt được tầm trên dưới 10kg ốc lẫn hến đựng trong cái xoong lớn mang theo. "Chừng này, bán chắc chưa được trăm ngàn, phải ráng thêm chút nữa" - chị Tuyết tỏ vẻ chưa hài lòng, rồi dặn cô con gái gắng thêm chút nữa hẵng về.


Mẹ con chị Tuyết đang ngụp lặn mưu sinh. Ảnh: Trần Tuấn

Mẹ con chị Tuyết đang ngụp lặn mưu sinh. Ảnh: Trần Tuấn

Người phụ nữ ấy năm nay 50 tuổi, nhà ở phường Hưng Phú (Quận Cái Răng, TP.Cần Thơ). Giờ là phường, nhưng theo chị Tuyết, trước đây là một xóm chài nhỏ. Bé gái đi cùng là con út trong số 6 đứa con gồm 4 trai, 2 gái của vợ chồng chị Tuyết. Cháu tên Võ Thị Ngọc Bích mới 12 tuổi.

"Nó bỏ học năm ngoái, khi đang học dở lớp 6 rồi về đi bắt ốc cùng mẹ vậy đó" - Chị Tuyết thản nhiên nói mà như không có chút day dứt, bởi tất cả 6 đứa con trong gia đình thì người học nhiều nhất cũng chỉ đến... lớp 10.

"Anh nó trước đây mới 8 tuổi mà đã theo cha mẹ đi bắt ốc như thế này rồi. Mà bắt giỏi và nhanh lắm" - chị Tuyết kể về cái nghề mưu sinh của gia đình đã hơn 30 năm nay. Hỏi chồng sao không đi bắt ốc với vợ, con?

Chị Tuyết cho biết, mấy hôm trước, trong lúc bắt ốc, chồng không may giẫm phải mảnh chai vỡ nên chân bị cắt chảy máu, hiện ở nhà để dưỡng cho lành vết thương.

"Ôi, cái nghề này thì giẫm phải mảnh chai, đinh, đá sắc nhọn, rách tay chân suốt à. Rồi chưa kể dầm mình cả buổi dưới nước, về mắc ghẻ lở, mẩn ngứa, toàn thân mỏi, đau rã rời..." - chị Tuyết than phiền.

Hàng chục năm nay, gia đình chị Tuyết đã gắn bó với cái nghề ngụp lặn mưu sinh trên sông này. Cứ mỗi khi con nước xuống, gia đình lại dong ghe ra. Đi từ sớm, tới đứng bóng, người mỏi rã rời mới về. Buổi chiều ở nhà nhặt, lựa làm sạch số ốc, hến bắt được rồi sáng sớm hôm sau đưa ra chợ bán nhanh để còn kịp về đi bắt mớ khác khi con nước đang xuống.

Cái nghề lam lũ như vậy, với giá ốc, hến khoảng 7.000/kg, tính ra, ngày nhiều thì được vài trăm ngàn, ít thì chỉ xấp xỉ một trăm, đủ tiêu theo kiểu "ngày nào biết ngày đó".

Sau nhiều năm là hộ nghèo, hiện gia đình chị đã vượt lên được một nấc, còn đang là cận nghèo nhờ mấy người con trai tích cóp giúp cha mẹ khi đi phụ hồ, làm thuê.

Vợ chồng già mò mẫm kiếm sống

Cũng tại rạch Cái Khế, hàng ngày, có đôi vợ chồng già dong ghe ra ngụp lặn mò hến, bắt ốc. Ông chồng tên là Lê Văn Hảo (72 tuổi), vợ là Phan Thị Tiếp (70 tuổi) nhà ở xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Để đến được con rạch này, đôi vợ chồng già phải đánh ghe đi gần 10km từ bên kia sông Hậu.

Ông Hảo cho biết, hai vợ chồng đã theo cái nghề lam lũ này mấy chục năm nay. Giờ ở tuổi lẽ ra đã được nghỉ ngơi, con cháu phụng dưỡng. Nhưng nhà có 2 đứa con, gái đã lấy chồng xa, trai lấy vợ rồi ở rể luôn ở nhà ngoại. Nhà chỉ còn hai vợ chồng già, còn sức thì còn gắng mò mẫm mưu sinh.

"Giờ sức chẳng còn, đi một bữa về mệt phải nghỉ hai, ba bữa. Mấy ngày trước nghỉ vì bệnh, thấy đỡ hơn nên sáng nay hai ông bà mới đi lại. Cái nghề cực lắm con ơi" - bà Tiếp từ dưới sông nói vọng lên với người trên bờ. Có lẽ bà Tiếp không cần nói, thì nhìn cảnh hai ông bà già ướt sũng hàng giờ dưới dòng nước đục để bắt con ốc, con hến mưu sinh cũng đã phần nào hiểu được cái nghề lam lũ này.

Bà Tiếp kể, quanh năm dầm mình trên sông nhưng chỉ đủ ăn, gia đình bà vẫn đang là hộ nghèo. Trời đã gần đứng bóng, nắng chiếu xuống, nhưng khi hỏi sao đã muộn mà chưa về lo cơm, nước? Đôi vợ chồng già ngước cổ, nói vọng lên: "Ráng thêm chút chớ nhà xa, còn tính trừ chi phí tiền dầu nữa con ơi".

Trên con rạch đó, còn nhiều cảnh đời khác mưu sinh với nghề mò hến, bắt ốc. Đa phần trong số họ đều là lao động nghèo. Không nghèo sao được, gắng lắm ngày chỉ kiếm được trên dưới trăm ngàn may thay chỉ đủ tiêu vặt, chưa kể còn nuôi con ăn học.

Không đâu xa, trong 6 người con của chị Tuyết như đã nói ở trên, đứa học nhiều nhất chỉ đến lớp 10 đã phần nào tái hiện được bức tranh cuộc sống của những con người lam lũ theo nghề bắt ốc, mò hến trên vùng sông nước được mệnh danh là "Tây Đô" này.

Theo Báo Lao động