Mưu sinh trong giá rét
Do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục tăng cường, bao trùm lên khu vực Bắc Bộ là cái rét như “cắt da cứa thịt”. Bất chấp mưa gió và cái lạnh tê tái, nhiều người lao động miệt mài làm công việc của mình… để mưu sinh.
Nhọc nhằn lao động đêm đông
Theo dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc bước vào đợt mưa kéo dài, trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp 10 độ C. Nghe thông tin này, nhiều người lao động không khỏi “rùng mình” khi cái lạnh hun hút đổ về, đặc biệt đối với những người lao động phổ thông, công việc đặc thù ngoài trời.
Tối 8.1, mặc cho gió lạnh kèm theo mưa phùn, nhiều người lao động vẫn phải lặn lội, bươn chải ngoài trời đông tê buốt. Đó là tiếng rao bán bánh mì, bánh khúc dạo đêm hòa trong mùi khói đốt củi sưởi ấm của bà lão bán trà đá, hay tiếng đảo đều đều của chị rang hạt dẻ bên đường...
Ngồi bên bếp than hoa đỏ rực, chị Nguyễn Thị Nga (Dịch Vọng, Cầu Giấy) tay thoăn thoắt quạt nướng ngô, nướng khoai phục vụ khách hàng. Chị Nga chia sẻ: “Trời rét này tôi mới có thể bán được ngô nướng, khoai nướng. Lúc người ta về nhà thì mình phải rục rịch chuẩn bị đồ đi bán hàng thì cũng tủi, nhưng vì miếng cơm manh áo, nên rét đến mấy cũng phải làm”.
Làm việc trong thời tiết lạnh cắt da cắt thịt, nhiều người lao động chống chọi với thời tiết bằng việc quấn khăn áo kín mít, mặc kèm áo mưa. Trên đường phố Hà Nội không thiếu những hàng, quán đốt lửa, vài người chụm đầu, giơ tay sưởi ấm.
Dù 23h đêm, không ít nam sinh viên vẫn tham gia chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Bạn V.V.L (sinh viên năm 2, ĐH Giao thông vận tải) trần tình: “Do cả ngày đi học, nên tôi tranh thủ tối đi làm thêm bằng chạy Grab. Vì chỉ cần có điện thoại và xe máy rảnh lúc nào có thể kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống ở thủ đô. Tôi thường chạy xe từ 23h đến 3h sáng. Chạy xe lúc này lạnh buốt và cóng, nhưng cũng kiếm được 150.000-200.000 đồng mỗi tối”.
Tất cả vì gia đình
Việc mưu sinh kiếm miếng cơm manh áo trong những ngày lạnh giá không còn là chuyện xa lạ. Họ phải thức thâu đêm, chống chọi với cái khắc nghiệt của thời tiết để gia đình có cuộc sống no đủ hơn. Đặc biệt vào những tháng cuối năm, nhiều người lao động vẫn bám sát góc phố, ngõ chợ để kiếm thêm thu nhập cho tết này.
Không ít người lao động các tỉnh phải rời quê hương, xuống các đô thị lớn lao động kiếm sống. Cùng cảnh xa quê xuống thủ đô kiếm sống, chị Trần Thị Chức (quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cùng 4 chị em khác thuê một căn phòng trọ rộng chừng 15m2 ở Quan Hoa, Cầu Giấy. Mỗi chị em có hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng chung mục đích kiếm thêm thu nhập, gửi về cho gia đình.
Tay cầm chổi lau dọn, chị Chức chia sẻ: “Tôi quê Vĩnh Phúc xuống Hà Nội lao động được vài năm rồi. Công việc của tôi lau dọn nhà cửa cho các gia đình Hà Nội. Ngày nào không có việc, tôi lại đi thu mua đồng nát khắp các khu phố”.
Sáng nào cũng dậy sớm, chị Chức lại đến những gia đình lau dọn nhà cửa. Ngày nhiều 300.000-400.000 đồng, nhưng cũng có ngày không có việc đành về không. Trong những ngày Hà Nội lạnh buốt, chị Chức nghẹn ngào: “Trời lạnh như này lao động chân tay như chúng tôi vất vả lắm. Nhúng vào nước lạnh buốt, xách chậu nước lau đi lau lại từng bậc thang, hành lang, có mệt mấy cũng phải gắng chịu. Vì mình còn con nhỏ ở quê, làm việc tất cả vì con cái, gia đình”.
Vì một cuộc sống no đủ hơn, mong muốn con cái được học hành đàng hoàng, những người lao động tự do miệt mài làm việc không quản thời tiết khắc nghiệt. Dù có lạnh thấu xương, tê buốt, họ vẫn đều đặn đi bán hàng ăn đêm, bốc vác thuê, làm nghề xe ôm… cùng chung mục đích để có thêm thu nhập cho gia đình.
Theo Báo Lao động