Người trồng quả nhiều mắt như "ngồi trên lửa" vì... xung đột tại Ukraine
(Dân trí) - Sản phẩm chế biến từ dứa xuất đi châu Âu bị tạm dừng khi xung đột tại Ukraine xảy ra, kéo theo giá dứa nguyên liệu tại Nghệ An giảm sốc. Người trồng dứa đứng trước nguy cơ thua lỗ do mất mùa, mất giá.
Giá dứa giảm vì... xung đột tận trời Âu
"Không ngờ xung đột mãi tận Ukraine mà ảnh hưởng tới nông dân vựa dứa chúng tôi", ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An lắc đầu khi nói tới chuyện giá dứa nguyên liệu tại địa phương thời điểm này.
"Sau Tết Nguyên đán, dứa bán được ở mức 6.500-7.000 đồng/kg, nông dân phấn khởi vì được giá. Nhưng chưa kịp mừng thì sau ngày 24/2, thời điểm xảy ra xung đột tại Ukraine, giá dứa giảm sốc, xuống còn 3.000-3.500 đồng/kg", ông Khánh cho hay.
Theo lý giải của ông chủ tịch xã, dứa nguyên liệu tại Nghệ An chủ yếu cung ứng cho một nhà máy chế biến tại Ninh Bình và một nhà máy trong tỉnh. Sản phẩm qua sơ chế và chế biến, bao gồm nước ép dứa và dứa cắt lát của các doanh nghiệp này chủ yếu xuất sang Nga và thị trường châu Âu. Bởi vậy, khi xung đột xảy ra, sản phẩm không thể xuất đi, các nhà máy cũng hoạt động cầm chừng hoặc giảm công suất, dẫn tới nhu cầu nguyên liệu giảm, các đơn vị thu mua dừng hoặc hạn chế gom dứa của người dân.
Không chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Ukraine, dứa nguyên liệu trong nước tiếp tục bị thêm một cú "đánh bồi" từ thị trường Trung Quốc khi tình trạng tắc biên tái diễn. Các địa phương có diện tích dứa nguyên liệu lớn như Thanh Hóa, Sơn La... phải chuyển hướng tiêu thụ về phía Nam, dẫn tới giá dứa tại Nghệ An bị ảnh hưởng do cạnh tranh trong thị trường nội địa.
Sáng 17/3, giá dứa nguyên liệu thu mua tại ruộng là 3.500 đồng/kg đối với "hàng hoa" tức là dứa to, đẹp, trọng lượng 800-900g/quả, giảm sâu so với mức cao điểm 10.000-11.000 đồng/kg. Đối với dứa "chặt đầu" (loại quả nhỏ, trọng lượng 400-500g/quả), giá chỉ còn 2.500-3.000 đồng/kg. "Với mức giá từ 3.000 đồng trở xuống thì nông dân cầm chắc thua lỗ", ông Khánh cho hay.
Nông dân lo thua lỗ, thương lái "bỏ cọc" để giảm thiệt hại
Hiện toàn xã Tân Thắng có gần 1.200 ha trồng dứa, trong đó có khoảng 700 ha dứa cho thu hoạch từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022. Đây là địa phương có diện tích trồng dứa lớn nhất Nghệ An. Nguồn thu từ cây dứa chiếm khoảng 60% tỉ trọng ngành nông nghiệp của xã. Hơn 50% sản lượng dứa cung cấp cho các nhà máy chế biến ở phía Bắc, tiêu thụ nội tỉnh chiếm khoảng 30%, còn lại tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam.
"Giá dứa nguyên liệu xuống thấp hơn, chỉ bằng gần một nửa so với năm ngoái do thị trường châu Âu không xuất được. Các nhà máy sản xuất cầm chừng giữ chân công nhân nên chúng tôi cũng có nhập được đâu", anh Hiếu (quê Ninh Bình) - một thương lái thu mua dứa cho hay.
Trong khi anh Hiếu thu mua cầm chừng để hỗ trợ người dân thì không ít thương lái quyết định "bỏ cọc" để giảm thiệt hại. "Năm ngoái giá dứa 6.500-7.000 đồng/kg, chúng tôi tính toán mức giá thu mua khoảng 5.000 đồng/kg cho năm nay và đặt cọc từ 10-15 triệu đồng cho người dân. Nhưng với giá dứa như hiện nay, đầu ra bấp bênh, trừ chi phí vận chuyển nữa thì thu mua sẽ cầm chắc lỗ nên đành bỏ cọc. Bỏ cọc thì mất tiền nhưng mất ít còn hơn là mạo hiểm", một thương lái cho hay.
Chị Nguyễn Thị Vân (thôn 2/9, xã Tân Thắng) thuê người thu hoạch dứa, tiền công 60.000 đồng/người/giờ. Cả sáng, chị Vân thu hoạch được 6 tấn dứa nhưng chưa tìm được xe chở từ ruộng ra đường lớn cho thương lái thu mua. Với gần 3 ha dứa, sản lượng khoảng 30 tấn/ha, tính ra vụ này chị Vân thu hoạch 90 tấn dứa.
"Trà thu hoạch này dứa mất mùa lại mất giá, trong khi giá phân bón lên, giá nhân công tăng. Nếu bán giá 4.500 đồng/kg thì chúng tôi còn hòa vốn, nhưng nay giá xuống mức 3.500 đồng/kg thì coi như cả vụ trồng thất bát", chị Vân cho hay.
Theo ông Dương Đình Đức, Xóm trưởng xóm 19/8, xã Tân Thắng, với giá dứa như hiện nay, người trồng dứa cầm chắc thua lỗ. Hiện gần 4 ha dứa của ông đang vào vụ thu hoạch nhưng thương lái thu mua rất ít, ông Đức lòng nóng như lửa đốt.
"Năm 2017, giá dứa xuống thấp, chỉ trên dưới 1.500 đồng/kg, nhiều hộ dân, đặc biệt là những hộ dân ở trong núi, xa đường vận chuyển đã bỏ dứa tại ruộng không buồn thu hoạch. Hiện nay, mặc dù đứng trước nguy cơ thua lỗ nhưng tình trạng bỏ dứa tại ruộng chưa xảy ra. Ngoài việc tích cực tìm kiếm thương lái thu mua, các hộ dân cũng mang dứa ra đường bán theo vận động của UBND xã nhằm vớt vát đồng vốn, giảm thiệt hại", ông Dương Đình Đức cho biết.