1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Những người mớm mồi, chăm bầy rắn nghìn con nhung nhúc quấn trên cây

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Trên cành cây quấn quện những búi rắn, có đến hàng trăm con. Thợ nuôi rắn thậm chí phải mớm mồi, banh họng đút đồ ăn cho những "sát thủ" hổ chúa trọng lượng 10kg, có thể nuốt trọn những con rắn khác.

Trại rắn Đồng Tâm - Thuộc Quân khu 9 (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được biết đến là bảo tàng rắn đầu tiên và có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay. Công nhân làm việc tại trại rắn cho biết, nơi đây đang nuôi bảo tồn hàng nghìn con rắn thuộc hơn 50 loài khác nhau, có những loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

"Lạnh người" chứng kiến rắn hổ chúa trọng lượng hơn một yến ăn mồi

Ở đây, tùy theo tập tính mà các loài rắn có chế độ chăm sóc riêng, có "thợ chuyên trách". Ngoài tiêu chí đáp ứng tốt nhất môi trường sống cho loài rắn, tất cả các chuồng nuôi đều phải đảm bảo an toàn với khách tham quan.

Một thợ rắn lành nghề chỉ khu chuồng riêng nuôi rắn hổ chúa, loài "sát thủ" luôn tìm bắt rắn khác để ăn. Trong lãnh địa riêng, rắn hổ chúa vừa có hang trú ẩn, vừa có bệ phơi nắng.

Còn rắn lục, rắn ráo có tập tính sống bầy đàn được thả chung vào một bể. Hàng trăm con rắn nhung nhúc quấn lấy nhau treo đầy bụi cây khiến ai cũng "lạnh người".

Những người mớm mồi, chăm bầy rắn nghìn con nhung nhúc quấn trên cây - 1

Kỹ thuật viên cho rắn hổ chúa ăn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Trại rắn này là nơi duy nhất trong cả nước mà người tham quan có thể đứng cách những con rắn hổ chúa nặng hơn chục ký chỉ vài gang tay, tận mắt xem những "hung thần" này với đầy đủ sắc thái. Hình ảnh những con rắn khổng lồ vươn mình lắc lư, phùng mang, lè lưỡi khiến ai cũng thấy rùng mình sợ hãi nhưng cũng không khỏi tò mò, thích thú.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Viên - Tổ trưởng tổ nuôi trồng của trại rắn cho biết, công việc nuôi rắn có tính chất đặc thù, khó khăn và nguy hiểm. Muốn chăm sóc tốt cho rắn thì phải hiểu rõ tập tính từng loài, thậm chí từng con.

"Tôi sợ rắn lắm chứ, nhưng là lính, phân công đâu làm đó, không ngại khó, không ngại khổ. Tiếp xúc với toàn loài cực độc nên cần có kiến thức, kinh nghiệm và cẩn thận từng li từng tí một", Thiếu tá Viên chia sẻ.

Những người mớm mồi, chăm bầy rắn nghìn con nhung nhúc quấn trên cây - 2

Rắn hổ chúa dài 3-4 mét đang nuốt trọn con mồi (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chị Trần Tuyết Anh - Hướng dẫn viên ở trại rắn cho biết, ở đây từng nuôi cá thể rắn hổ chúa nặng 27kg, dài bằng chiếc ô tô, thuộc dạng "khủng" nhất từng được ghi nhận. Ngoài ra trong trại hiện có 10 con rắn hổ chúa nặng từ 10 đến 15kg. Đó là những "siêu sao" thu hút nhiều sự tò mò, quan tâm của du khách.

"Họ rắn hổ nói chung đều rất độc, nếu bị cắn, khả năng tử vong rất cao nên cần tuyệt đối tránh xa. Hổ chúa là loài lớn nhất trong họ, rất nhanh và linh hoạt, thoắt ẩn thoắt hiện, như mây vậy, nên dân gian hay gọi là rắn hổ mây.

Đặc trưng chung của họ rắn hổ là có thể vươn thân mình lên cao, mang phùng lớn. Dù rất độc và hung dữ nhưng các loài rắn hổ chỉ thích ăn côn trùng, chim, chuột, rắn nhỏ. Chúng chỉ tấn công người khi bị đe dọa", chị Tuyết Anh cho biết.

Những người mớm mồi, chăm bầy rắn nghìn con nhung nhúc quấn trên cây - 3

Rắn hổ chúa có thể sống đến 30 năm, nặng 30kg (Ảnh: Nguyễn Cường).

Trong trại rắn cũng đang nuôi 2 loại rắn lục. Đặc trưng chung của rắn lục là đều có màu xanh lá, dễ hòa lẫn trong môi trường sống nên khó phát hiện, có độc và nguy hiểm.

Loài rắn lục đuôi đỏ có đầu tam giác, đuôi có vệt đỏ, hiện là loài bò sát duy nhất ở Việt Nam đẻ con. Rắn lục đuôi đỏ hiện đang là thủ phạm của khoảng 50% số ca trúng độc do rắn cắn ở Việt Nam. Mỗi năm, riêng khu vực phía Nam đã có khoảng gần 1.000 người là nạn nhân của loài rắn này.

Những người mớm mồi, chăm bầy rắn nghìn con nhung nhúc quấn trên cây - 4

Rắn lục đuôi đỏ là thủ phạm của hơn một nửa số vụ rắn cắn ở Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Rất độc nhưng nọc rắn lục đuôi đỏ cũng rất có ích, có thể bào chế thành kem bôi trị các chứng nhức mỏi rất hiệu quả. Thịt và xương rắn cũng là dược liệu quý. Hiện trại rắn định kỳ 3 tháng sẽ thu hoạch nọc độc của các loài rắn một lần để phục vụ hoạt động nghiên cứu, bào chế dược liệu", chị Tuyết Anh chia sẻ.

Loài rắn lục thứ 2 là rắn lục mỏ dọ. Loài này thân mảnh như cây cỏ, mỏ nhọn, mình thon dài. Dù rắn lục mỏ dọ không tự sản sinh được nọc độc nhưng lại có khả năng tích lũy độc tố từ các con mồi nên nếu bị cắn cũng rất nguy hiểm.

Những người mớm mồi, chăm bầy rắn nghìn con nhung nhúc quấn trên cây - 5

Các loài rắn lục đều nguy hiểm, có màu xanh lá, dễ hòa lẫn với môi trường sống (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ngoài các loài rắn độc, trại rắn cũng nuôi nhiều dòng rắn nước, nhiều nhất là rắn ráo. Ngoài mục đích bảo tồn thì những loại rắn này cũng là thức ăn cho nhiều loài rắn khác trong trại.

Một thợ nuôi rắn giải thích, hầu hết các loài rắn nước có mình thon dài, màu sẫm, vảy óng ánh, hiếu động nhưng "rất hiền", không có xu hướng tấn công người.

Những người mớm mồi, chăm bầy rắn nghìn con nhung nhúc quấn trên cây - 6

Các loài rắn nước tuy hiếu động nhưng "rất hiền" và không có độc (Ảnh: Nguyễn Cường).

Những người mớm mồi, chăm bầy rắn nghìn con nhung nhúc quấn trên cây - 7

Kỹ thuật viên có kiến thức, kinh nghiệm có thể bắt rắn bằng tay cho du khách xem nhưng luôn khuyến cáo mọi người không làm theo (Ảnh: Nguyễn Cường).

Một thợ rắn lão luyện cho biết, rắn mới đưa từ các vùng về phải thuần dưỡng. Những ngày đầu, khi còn lạ môi trường, rắn sẽ không chịu ăn, thợ nuôi phải mớm, thậm chí phải banh họng, đút đồ ăn cho rắn. Mỗi tuần rắn được cho ăn uống, tắm rửa 2 lần. Rắn được cho ăn vào buổi chiều để buổi tối, khi rắn vận động, thức ăn được tiêu hóa dễ hơn.

"Làm riết thành quen, thành yêu nghề. Giờ trong trại, anh em thuộc hết các loài, những cá thể ở đây lâu, chúng tôi còn quen mặt, thuộc tính nết nó ra sao. Kinh nghiệm cứ đúc rút, rồi anh em truyền cho nhau, quan trọng nhất là nghiêm túc, cẩn thận. Khi mình chu đáo với con vật thì có dữ cỡ nào nó cũng thành hiền", Thiếu tá Viên cười nói.

Ngoài nuôi bảo tồn và phục vụ khách tham quan, trại cũng khai thác những con rắn già, hết tuổi sinh sản để làm tiêu bản trưng bày, nghiên cứu, làm dược liệu và phục vụ y học. Trại rắn có trung tâm cấp cứu cho những người bị rắn cắn và giới thiệu những sản phẩm, dược phẩm bào chế từ nọc rắn.