Những người được tăng lương hưu khi lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng

Bạn đọc hỏi: Khi tăng lương cơ sở từ năm 2023 thì lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức có tăng không?

Về vấn đề này, báo Tin tức thông tin như sau:

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó quyết nghị nhiều phương án liên quan đến lương cơ sở 2023, chính sách lương hưu, bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 1/7/2023. Mức điều chỉnh tăng dự kiến từ 1,49 triệu đồng/tháng hiện nay lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7/2023, tương ứng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động cũng tăng lên.

Những người được tăng lương hưu khi lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng - 1
Chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH cố định tại Hải Dương. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Theo BHXH Việt Nam, tại Khoản 2, Điều 5 và Khoản 1, Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định rõ, mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.

Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Ngoài ra, Điểm I, Khoản 1, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở. Do đó, trường hợp lương cơ sở được điều chỉnh tăng 1,8 triệu đồng/tháng từ 1-7-2023 thì mức đóng BHXH của người lao động sẽ tăng theo.

Khoản 1, khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc quy định, mức lương hưu sẽ thay đổi phụ thuộc theo mức lương cơ sở và mức điều chỉnh tiền lương qua các năm tương ứng.

Theo đó, việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH theo Điều 63 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

Tiền lương đã đóng BHXH sẽ làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Theo đó, tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/2016.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi, việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh như quy định tại Khoản 2 Điều này.

Công thức tính mức hưởng lương hưu sẽ là: Mức hưởng lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Bên cạnh đó, theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ tính theo thời gian đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45% và cao nhất là 75%. Do đó, khi tăng lương cơ sở sẽ tăng mức bình quân tiền lương đóng BHXH và tăng lương hưu hiện hưởng hàng tháng của cán bộ, công chức, viên chức khi về hưu.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức lương hưu tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở.

Khi tăng lương cơ sở sẽ tăng mức bình quân tiền lương đóng BHXH và tăng lương hưu hiện hưởng hàng tháng của cán bộ, công chức, viên chức khi về hưu. Như vậy, mức lương cơ sở tăng thì mức lương hưu tối đa cũng sẽ tăng.

Theo Báo Tin tức