Những người đưa hơn nửa tỷ USD "chảy" về Nghệ An mỗi năm

Nguyễn Tùng Nguyễn Phê

(Dân trí) - Những năm qua, Nghệ An là địa phương nổi tiếng về đưa người đi làm việc ở nước ngoài, mỗi năm có nửa tỷ USD được những người đi lao động gửi về nước, góp phần giúp bộ mặt nhiều địa phương thay đổi.

3 năm biến giấc mơ của gia đình thành sự thật

Gia đình ông Lương Xuân Tào, bản Mon, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An), có con trai là anh Lương Văn Thân, đi làm việc ở Nhật Bản được 3 năm. Sau khi gửi tiền về trả hết nợ ngân hàng, vợ chồng anh Thân còn có vốn xây được căn nhà khang trang.

Không những vậy, nhờ nguồn tiền từ việc đi lao động của con trai gửi về, gia đình ông Tào đã mở thêm ki ốt kinh doanh, kinh tế nhờ đó ổn định.

"Con đi làm việc ở Nhật Bản về, cuộc sống gia đình đã thay đổi hoàn toàn. Làm nhà xong, giờ cháu lại đi làm tại công ty ở Vinh", ông Tào cho biết.

Những người đưa hơn nửa tỷ USD chảy về Nghệ An mỗi năm - 1

Bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ, Kỳ Sơn từ chỗ đói nghèo nay nhà cửa khang trang, một phần nhờ tiền đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh: Nguyễn Tùng).

Cũng tại bản Mon, gia đình ông Vi Đức Tuấn, có con gái đi lao động ở Đài Loan. Nhờ con gái gửi tiền về, gia đình ông có vốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Đến nay gia đình ông đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang.

"Nhờ con đi lao động gửi tiền về, có vốn làm ăn, sản xuất nên kinh tế gia đình không còn đói nghèo nữa, giờ làm trang trại, sản xuất đủ ăn, nhà cửa cũng ổn định rồi", ông Tuấn cho biết.

Tương Dương là huyện nghèo nhiều năm liền, đời sống người dân không đủ ăn. Mấy năm trở lại đây, nhờ đi làm việc ở nước ngoài, nhiều gia đình tại địa phương này có nhà cửa khang trang, cuộc sống no đủ.

Tại các huyện biên giới khác như: Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong lâu nay cũng được biết đến là các huyện nghèo. Người dân ở các địa phương này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa đồng đều, quẩn quanh với đói nghèo.

Tỉnh Nghệ An đã có nhiều nỗ lực để thay đổi đời sống, kinh tế khu vực miền tây, tuy nhiên, địa phương này còn gặp nhiều khó khăn. Vài năm trở lại đây, nhận thức của người dân đã thay đổi. Con đường đi làm việc ở nước ngoài đã giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Trên thực tế, nhiều gia đình ở miền tây Nghệ An đã thoát nghèo nhanh và bền vững nhờ đi làm việc ở nước ngoài.

Những người đưa hơn nửa tỷ USD chảy về Nghệ An mỗi năm - 2

Anh Cụt Văn Phách trong ngôi nhà khang trang nhờ tiền đi làm việc ở nước ngoài gửi về (Ảnh: Nguyễn Tùng).

Tại bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn với dân cư 100% là đồng bào Khơ Mú. Do điều kiện tự nhiên nên đời sống, kinh tế người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, nhờ các chính sách, hỗ trợ vay vốn nên nhiều người dân ở bản Bình Sơn 2 đã lựa chọn đi lao động ở nước ngoài. Với thu nhập cao, nhiều hộ tích góp được tiền làm nhà, bản làng trở nên khang trang.

Trong căn nhà sàn 3 gian kiên cố, nền lát gạch hoa sạch sẽ, một số bà con dân bản đến chơi, thăm hỏi anh Cụt Văn Phách (SN 1991), trú tại bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ, vừa hết hạn hợp đồng lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) trở về.

Anh Phách cho biết, trước đây, do hoàn cảnh khó khăn, hằng năm chỉ trông chờ vào một mùa nương rẫy, nên cuộc sống của gia đình quẩn quanh với nghèo khó. Sau đó, anh quyết định vào miền nam tìm việc làm.

Công việc cũng tạm ổn nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ chi tiêu, không có tích lũy. Năm 2022, anh Phách mạnh dạn đăng ký vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội đi lao động ở nước ngoài.

Hơn 2 năm làm việc ở nước ngoài, anh Phách tích lũy được 300 triệu đồng để lấy vốn làm ăn. Đối với địa bàn miền núi khó khăn như Kỳ Sơn, đây là một số tiền rất lớn.

Sau khi thấy anh Phách đi lao động có tiền gửi về, nhiều thanh niên trong bản đã tìm hiểu thủ tục đi Đài Loan lao động với mong ước đổi đời, như: Anh Cụt Văn Nga, Cụt Văn Anh… Đến nay, tại bản Bình Sơn 2 đã có hơn 50 lao động đi làm việc tại Đài Loan, trong khi cả bản chỉ có 80 hộ dân.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức nhiều phiên giao dịch, tư vấn, giới thiệu việc làm tại các xã, thị trấn; tuyên truyền, tư vấn tới học sinh cuối cấp trên địa bàn về công tác đi làm việc ở nước ngoài.

Gửi về quê 500-550 triệu USD/năm

Trong năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được 24.560 người, trong đó 11 huyện miền núi đưa đi được 7.643 người, tập trung vào các thị trường chính như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu.

Ngoài các thị trường chính tiếp tục được củng cố, tăng cường, năm 2023 một số thị trường Đông Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam. 

Những người đưa hơn nửa tỷ USD chảy về Nghệ An mỗi năm - 3

Nhiều bản làng ở huyện Kỳ Sơn đổi thay nhờ đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh: Nguyễn Phê).

Các địa phương có số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cao như: Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, thị xã Hoàng Mai… Một số huyện miền núi như: Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu đã thực hiện tốt công tác vận động đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vượt chỉ tiêu đề ra.

Đáng chú ý, số lao động đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu tăng hơn so với các năm trước. Lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ tay nghề tăng lên, chiếm trên 60%.

Có khoảng 6% lao động là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học cũng tham gia đi làm việc ở nước ngoài, tập trung các ngành như: Kỹ sư xây dựng, cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Mức thu nhập do người lao động đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân 17-30 triệu đồng/người/tháng. Nhiều lao động sau khi về nước có tay nghề cao, tiếp tục vào làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có mức thu nhập cao và ổn định.

Những người đưa hơn nửa tỷ USD chảy về Nghệ An mỗi năm - 4

Hàng năm, số ngoại tệ gửi về cho người thân 500-550 triệu USD, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương (Ảnh: Nguyễn Phê).

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có gần 50 doanh nghiệp đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Nghệ An là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số lao động đang làm việc ở nước ngoài (khoảng trên 90.000 người).

Theo ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, những người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hàng năm số ngoại tệ gửi về cho người thân 500-550 triệu USD, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê với hệ thống hạ tầng khang trang.

Cùng với đó, tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước. Nhiều người đi làm việc ở nước ngoài về đã thành lập doanh nghiệp, làm trang trại…, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.