Những “nàng tiên cá” 60 tuổi tại Nhật Bản

Cộng đồng phụ nữ lặn đánh bắt cá ở Nhật Bản học nghề từ nhỏ. Các kỹ năng của họ được truyền lại từ đời này qua đời khác.

Những “nàng tiên cá” 60 tuổi tại Nhật Bản

Bà Hideko Koguchi - một thợ lặn tại Nhật Bản nói: "Khi nước trong, tôi thực sự cảm thấy mình giống như một nàng tiên cá. Cảm giác bơi lội rất tuyệt vời".

Những người như bà Koguchi được gọi là Ama - nữ thợ lặn đánh bắt cá ở Nhật Bản. Thiết bị lặn của họ rất thô sơ, bao gồm một cái phao và một cái lưới để thu thập hải sản. Ra khơi, họ hít thở thật sâu rồi lặn xuống, khi nào cần thở lại trở lên, cứ thế liên tục hàng chục lần.

"Đây là một bài tập thể dục toàn thân rất thú vui. Tôi đoán đó là điều giúp chúng tôi trẻ lâu hơn", bà Hideko Koguchi cho biết.

Ama - nữ thợ lặn đánh bắt cá ở Nhật Bản.
Ama - nữ thợ lặn đánh bắt cá ở Nhật Bản.

Mỗi buổi lặn các Ama kiếm được khoảng 88 USD. Nghề Ama ở Nhật có từ hơn 3.000 năm trước. Phụ nữ ở các vùng nông thôn biệt lập - nơi có ít công việc - đã làm nghề Ama ngay từ khi học xong cấp 2 để nuôi sống gia đình. Các kỹ năng của họ được truyền lại từ đời này qua đời khác. Dù thế hệ người lớn tuổi tại Nhật yêu thích nghề Ama nhưng với những người trẻ đây lại là công việc khá vất vả. So với con số hơn 12.000 người làm nghề Ama những năm 1930, hiện nay tại Nhật chỉ còn khoảng 2.000 Ama.

Bà Michiko Hashimoto - thợ lặn nói: "Thật là tuyệt vời khi trở thành một Ama. Tôi muốn tiếp tục làm công việc của một Ama ngay cả khi tôi 80 tuổi. Tôi muốn sống như thế này, lặn và đánh bắt hải sản".

Sau buổi lặn, những người phụ nữ thường đếm lại số hải sản đã bắt được, sau đó tụ tập quanh đống lửa trong một túp lều để tán gẫu và thưởng thức thành quả. Sự đam mê và tinh thần đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt đã giúp nghề lặn truyền thống của những người phụ nữ tiếp tục duy trì đến ngày nay.

Theo VTV.VN