Những khó khăn ít ai biết của nữ công nhân ngành điện
(Dân trí) - Bước vào nghề với các hoàn cảnh khác nhau, nhưng những nữ công nhân ngành điện vẫn vượt qua khó khăn, trở ngại, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.
Trốn con đi trực điện
Thợ điện là nghề có áp lực về thời gian rất lớn, phải thức khuya, dậy sớm, làm việc trong môi trường vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rình rập. Những ai đã gắn bó với nghề điện càng phải chấp nhận việc không có ngày lễ, tết trọn vẹn. Do đó, nghề này với nam giới đã khó khăn, thì với nữ giới, sự nhọc nhằn đấy còn tăng lên bội phần.
Chị Vũ Thị Chinh - công nhân quản lý vận hành lưới điện trung hạ áp, Công ty Điện lực Thanh Xuân - chia sẻ: "Công việc nữ công nhân vận hành không theo giờ giấc hành chính mà phải tuân thủ chế độ ca, kíp rất nghiêm ngặt. Một ngày chia làm 3 ca, từ 0h đến 24h. Cứ đến lịch trực, dù nắng như chảo lửa, mưa như trút nước, chúng tôi lại gói ghém đồ nghề lên đường".
Theo chị Chinh, công việc này đòi hỏi phải nắm chắc kiến thức về thiết bị và hệ thống vận hành của trạm, đường dây, đồng thời phải chủ động, nhanh nhẹn, tháo vát trong mọi tình huống.
Trong trường hợp các thiết bị, máy móc gặp sự cố phát nhiệt, máy cắt nhảy, đèn còi báo tín hiệu chạm đất, người trực phải nhanh nhạy nắm bắt tình hình để đưa ra phương án, giải pháp xử lý kịp thời. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ trực ca, nữ công nhân vận hành cũng sẵn sàng trèo cao để vệ sinh, đóng/cắt thiết bị, máy móc khi có yêu cầu, hiệu lệnh.
Yêu công việc là thế nhưng đôi khi những ca trực đêm cũng mang đến cho nữ công nhân vận hành lắm thiệt thòi và nỗi niềm ít ai thấu hiểu. Hay mỗi dịp Tết đến, xuân về, thấy những phụ nữ khác xúng xính váy áo đi chơi bên người thân, họ - những người trực ca vận hành mang bộ quần áo bảo hộ - đôi lúc cũng cảm thấy chạnh lòng.
Chưa kể, việc vắng bóng người phụ nữ trong đêm giao thừa hay ngày đầu xuân năm mới cũng nảy sinh những câu chuyện khiến nhiều chị em tủi buồn.
Nhớ về những năm tháng mới vào ngành điện, chị Chinh cho biết nỗi trăn trở và day dứt nhất đối với chị em trực ca đêm đó là giai đoạn nuôi con nhỏ và đang cho con bú.
Thời điểm con mới hơn một tuổi, chị Chinh đã tham gia trực ca đêm, khi đó việc "trốn con" đi làm là điều khó khăn nhất. Đi trực cứ nghĩ đến cảnh con ở nhà khóc đòi sữa là chị không thể kìm lòng, thương con mà nước mắt chực trào.
Những bữa cơm muộn
Cuộc sống của nữ công nhân ngành điện thường xuyên đối mặt với những đêm dài, khi công tác vận hành không ngừng 24/7. Điều này tạo ra những thách thức đặc biệt về thời gian và dinh dưỡng. Bữa cơm muộn trở thành điều thông thường và việc dự trữ thức ăn trong túi xách là điều không thể tránh khỏi, để họ có thể nhanh chóng nạp năng lượng và tiếp tục công việc.
Là nữ giới nhưng đã trót yêu nghề, chị Nguyễn Hồng Hạnh - công nhân Công ty Điện lực Long Biên - cũng không giấu nổi những nỗi niềm buồn vui nghề nghiệp.
Chị Hạnh cho biết: "Nhiều lúc thiếu người, kể cả việc leo trèo hay trực sự cố giông bão, chị em chúng tôi cũng phải làm hết. Trong mùa hè oi bức, anh chị em thường xuyên phải chuyển đổi, dồn pha, nâng máy biến áp để đảm bảo nhu cầu đột biến do nắng nóng kéo dài. Những lúc như vậy, công việc đa phần là phát sinh đột xuất, không nằm trong kế hoạch nên rất vất vả. Nghề nào nghiệp đó, tôi tự hào khi đóng góp công sức vào sự liên tục của dòng điện phục vụ nhân dân Thủ đô nên gắn bó, không hối hận...".
Chị Hạnh cho biết thêm, trong thời tiết nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng đột biến, rất dễ xảy ra các sự cố điện, nhất là khi các gia đình sum họp, quây quần bên nhau vào bữa cơm thường là lúc cao điểm về sử dụng điện. Vì vậy, bữa cơm đúng giờ của thợ điện trở thành xa xỉ.
Những khó khăn không phải ai cũng biết
Hơn 30 năm bén duyên với nghề điện, chị Hoàng Thị Mai - Tổ trưởng trung tâm kiểm định, hiệu chuẩn Công ty Thí nghiệm điện, Điện lực Hà Nội - cho biết công việc của chị mang đậm tính kỹ thuật, thường chỉ dành cho nam giới. Các chị ví von nghề của mình giống như một "bác sĩ" và chiếc công tơ chính là "bệnh nhân".
33 năm cầm kìm, tuốc nơ vít "chữa bệnh", đôi bàn tay chị đã chai sần theo năm tháng, song chị luôn có niềm đam mê với công việc. Chị làm việc tỉ mỉ, kiên trì, tận tụy, theo dõi, đo đạc, kiểm tra các thông số kỹ thuật, tập trung mọi khả năng, trí tuệ, tay nghề của mình, sửa chữa những hư hỏng của thiết bị, tiết kiệm chi phí cho đơn vị và khách hàng.
Giống như chị Mai, hầu hết các chị em trong tổ đều không sợ cực, không sợ xấu, không mặc cảm khi làm nghề dành cho nam giới. Các chị gắn bó, yêu nghề vì lợi ích của khách hàng, sẵn sàng làm thêm giờ, nhất là vào những ngày cuối tuần trong các đợt cao điểm, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh.
Khó khăn lớn nhất với nữ vận hành điện lực vẫn là vấn đề thời gian, khi công việc ca kíp không phải giờ hành chính như các ngành nghề khác. Chị Mai chia sẻ: "Ngày con được 6 tháng, tôi quay lại công việc và thường xuyên đi làm về muộn do phải tăng cường kiểm định, hiệu chỉnh công tơ điện. Tôi xót con lắm nhưng chẳng biết làm sao. Rồi có những buổi cuối năm sửa chữa thiết bị, 4h sáng tôi dắt xe đi, 12h đêm mới về, đi nhiều đến nỗi con không còn theo mẹ nữa.
Mưa gió đi ca đã đành, nhưng ngại nhất là thời gian đi ca đêm. Khi người ta bắt đầu ôm con ngủ, tôi lại loay hoay dứt con ra khỏi vòng tay, dỗ mãi mà con vẫn không chịu rời mẹ".
Nhưng với chị Mai hay các nữ công nhân ngành điện khác, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn tự hào với công việc của mình, phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, luôn mạnh mẽ, sáng tạo, khẳng định ý chí tự lực, tự cường, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thách thức, xứng đáng danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".