Những địa điểm nóng tập trung "trại" buôn lao động tại Campuchia

An Nhiên

(Dân trí) - Tình trạng người lao động bị lừa sang Camphuchia, bị "bán" vào các sòng bài, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản diễn biến phức tạp. Công an TP Hải Phòng vừa có những cảnh báo cụ thể.

 046177a2eb4f24117d5e-ca028903ff5840d18d13e1e01a0a6b93.jpg

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Hải Phòng kiểm soát tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Ảnh: Công an Hải Phòng).

Theo Công an TP Hải Phòng, thời gian gần đây, trên địa bàn nổi lên thông tin về nhu cầu tìm kiếm lao động đi làm việc tại Campuchia, ở các cơ sở chủ yếu là của chủ sử dụng người Trung Quốc. Trong bối cảnh nhiều người lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các đối tượng thông qua mạng xã hội hoặc trực tiếp gặp gỡ, rủ rê, lôi kéo, dẫn dắt người lao động xuất cảnh sang Campuchia để làm việc. 

Thông thường, những lời hứa hẹn được đưa ra là việc làm ổn định, nhẹ nhàng, lương cao, có thể lên tới hàng chục triệu đồng/tháng. Cùng với đó là những chế độ đãi ngộ hấp dẫn, như cho "ứng trước" tiền để lo chi phí xuất cảnh. 

Rất nhiều người lao động nhẹ dạ, cả tin đã "sập bẫy".

Các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18-35 tuổi, được các đối tượng tiếp cận khi tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao".

Cũng theo cơ quan Công an, sau khi chiếm được lòng tin của người lao động, các đối tượng sẽ sử dụng nhiều cách để đưa người lao động xuất cảnh sang Campuchia bằng cả đường chính ngạch và trái phép.

Sau khi qua được Campuchia, nạn nhân bị đưa vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng. Những người này thường bị cưỡng ép lao động, từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi nơi quản thúc, bị bán qua lại cho các chủ sử dụng lao động khác hoặc buộc phải gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền "chuộc thân" với số tiền từ 3.000 - 30.000 USD.

Thậm chí, nhiều người bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau.

Theo xác định của công an, các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của công dân Việt Nam tập trung chủ yếu tại Campuchia ở các khu vực: Bà Vẹt - tỉnh Svayrieng; Banteay Meanchay - tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile - tỉnh Preah Shihanouk, Chrey Thom - tỉnh Kandal và thành phố Phnompenh.

Đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản cũng được xác định thường là người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của một số "tay sai" người Việt hiện đang hoạt động tại Campuchia.

Trước tình hình phức tạp này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng cảnh báo và đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, phối hợp phòng, chống tội phạm.

Người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội.

Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng đi làm việc tại đó.

Tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc, công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.

Khi có nhu cầu đi lao động nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động.

Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vẫn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.