1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Những cô gái làm nghề “nhạy cảm”

Hầu hết các bạn nữ coi công việc mát-xa là nghề kiếm sống chân chính đều mang chung một tâm trạng... buồn, vì những “con sâu làm rầu nồi canh” không phải là không có, thậm chí còn nhiều.

Nhưng có đi thực tế tìm hiểu công việc hằng ngày của một số bạn nữ theo nghề này, mới thấy rằng không hẳn tất cả đúng như lời đồn đại.

Buồn vui biết tỏ cùng ai

Theo chân một anh bạn người Ấn Độ, lần đầu tiên chúng tôi đến một khách sạn 5 sao nằm trên đường Hùng Vương để... mát-xa, tìm tư liệu viết bài. Có lẽ vì nhiều "sao" nên nơi này dễ tạo cho khách sự choáng ngợp bởi nội thất sang trọng, lộng lẫy. Đón khách ở quầy tiếp tân là một cô gái nói tiếng Anh “như gió”.

Cô đưa ra một danh sách khá dài tên các phục vụ viên bằng tiếng nước ngoài như: Donna, Laura, Helen, Rosen... Biết tâm lý khách lần đầu đến mát-xa, cô lễ tân nhanh nhẹn gợi ý: "Anh thích nhẹ "đô" hay mạnh "đô", để em chọn giúp cho...".  Sau khi tôi nghe trả lời "cần một người giàu kinh nghiệm", cô lễ tân gật đầu rồi gọi phục vụ đưa tôi vào phòng thay đồ.

Săn sóc cho tôi tại phòng tắm hơi là một cô gái có cái tên khá ấn tượng: Kitty. Đến lúc trò chuyện tôi mới bất ngờ khi biết cô là... người Việt 100%! Sau vài động tác vuốt, miết, nhào cơ... tôi thầm đánh giá cô rất "có nghề", đúng theo yêu cầu của mình. Bắt chuyện hồi lâu, chừng như thấy khách đủ thành thật, Kitty mới tâm sự: "Em đã có gần 10 năm trong nghề. Hồi trước em ra tận Hà Nội theo lời một bà chị thân quen hứa giới thiệu việc làm. 

Chừng ra tới nơi mới biết, chỗ bà chị giới thiệu là chỗ mát-xa. Thoạt đầu em rất sợ nên nhất quyết không làm, nhưng bà chị cứ khuyên: "Không ai hại em đâu mà sợ, cứ lo học nghề đàng hoàng với người ta!". Rốt cuộc, 5 năm trời ở đất khách quê người, em cũng học được biết bao ngón nghề của thầy và của cả khách thập phương. Khách đến mát-xa thì có đủ mọi ý thích: người thích nhào cơ, người thích nhấn huyệt, có người ghiền "bẻ xương"; nhưng cũng có ông chỉ thích vô nằm trò chuyện, sau đó ngủ luôn một mạch tới hai suất rồi tính tiền... Hàng ngàn khách là hàng ngàn tính tình khác nhau, phải tinh ý lắm mới nhận biết được đâu là khách đàng hoàng, đâu là khách "quậy"...  

 

Cứ thế miệt mài trong công việc, cho tới ngày về lại TPHCM em đã có nhiều dự tính khác trong đầu, nhưng cuối cùng rồi cũng chọn nghề... mát-xa. Nó dính liền với em như cái nghiệp! Bạn bè nhiều đứa khuyên bỏ công việc này đi, vì cứ theo thì khó mà lấy được tấm chồng tử tế. Em cũng tự nhủ: Bỏ nghề, vì cũng có anh thương em lắm, hứa cho em những 20 triệu đồng để buôn bán với người ta.

Nghe qua thì em mừng nhưng nghĩ lại thì không thể tự nhiên nhận không một số tiền khá lớn như vậy. Em thử bàn tới chuyện hôn nhân, nhưng anh ấy cứ ngập ngừng: "Chắc mẹ anh không chấp nhận đâu, nếu biết em làm nghề mát-xa". Thật là buồn, em đâu có làm gì xấu, mà không lẽ ai làm nghề này cũng xấu sao? Nhưng định kiến vẫn là định kiến, khó mà giải thích được. Thế là em đành phải chia tay người yêu và tiếp tục công việc cho đến nay...".

Nghề nào cũng có lòng tự trọng

Những cô gái làm nghề “nhạy cảm” - 1

Nếu là người thích đi mát-xa, chắc hẳn bạn đã có lần ghé qua một cơ sở chuyên phục hồi sức khỏe theo phong cách Nhật ở Q.1, TPHCM. Anh bạn tôi, một khách hàng thân thuộc của cơ sở này, cho biết: "Vào đây chỉ có ngủ và... ngủ, các kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm sẽ biết cách làm cho khách hàng phục hồi sức khỏe 100%".

Quả thật, nơi này có một đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề trên 50 người, với hàng loạt bằng cấp được trưng bày một cách trân trọng như niềm hãnh diện của một cơ sở mát-xa chuyên nghiệp. Để vào làm việc ở đây bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp về mát-xa của Trung tâm Y tế thành phố, sau đó phải vượt qua được một khóa đào tạo của các chuyên gia tại cơ sở.

Hầu hết các nhân viên có đủ điều kiện kể trên để được vào làm đều là dân tỉnh. Thúy Hà, một thành viên lâu năm tại đây cho biết: "Nếu cần cù chịu khó, thì chỉ cần 6 tháng là đã có thể trở thành một kỹ thuật viên giỏi, nhưng phải biết cách giao tiếp, biết nắm bắt ý của khách hàng. Làm nghề này quan trọng là phải có sức khỏe, siêng năng và linh động, chứ nếu không thì khó mà trụ được!".

Khi được hỏi trong công việc có chế độ khen thưởng hay kỷ luật gì không, một bạn nữ khác nhanh nhảu trả lời: "Có chứ! Nhiều bạn ham vui, thức khuya nên dậy trễ khiến sức khỏe sa sút, đã vậy còn có thái độ khó chịu với khách hàng, nên bị kỷ luật. Nhẹ thì xuống ca ba ngày làm một lần, nặng thì nửa tháng, còn nghiêm trọng hơn nữa thì bị cho thôi việc...".

Các cô còn cho biết, mặc dù thu nhập chủ yếu nhờ vào tiền “bo” của khách, nhưng chị em ở đây ai cũng ý thức được rằng chỉ cần có tay nghề giỏi, phục vụ đúng tính chất công việc là đã đủ để thuyết phục khách hàng. Không vòi vĩnh xin thêm tiền “bo”, cũng không có ý đồ gì xấu...

Thế còn chuyện gặp phải những ông khách "quậy"? Một nhân viên trong nghề mỉm cười ý nhị: "Thực ra, đa số khách vào mát-xa thường là có nhu cầu phục hồi sức khỏe thật sự. Tuy nhiên, lâu lâu cũng gặp khách say rượu, nên tay chân "táy máy", gặp trường hợp này bọn em "điểm huyệt" ngay! Mình cũng có nhiều "chiêu" để bắt những ông khách đó thư giãn theo đúng nghĩa chứ, cái chính là mình cần phải tế nhị và áp dụng ra sao...".

Cần lắm những cái nhìn thông cảm

Hầu hết các bạn nữ coi công việc mát-xa là nghề kiếm sống chân chính đều mang chung một tâm trạng... buồn, vì những "con sâu làm rầu nồi canh" không phải là không có, thậm chí còn nhiều. Bạn Tú Uyên, làm việc tại một thẩm mỹ viện tâm sự: "Mới đầu gia đình nghe em làm nghề này ai cũng phản đối, vì cho rằng đây là nghề của tệ nạn, hơn nữa báo chí phản ánh rất mạnh mẽ; nhưng khi biết chính xác công việc của em chỉ là làm đẹp, cơ sở em đang làm cũng đàng hoàng thì gia đình đã yên tâm, bạn trai em cũng thường xuyên đưa đón.

Thời gian đầu, lương thử việc của em là 600.000 đồng; sau hai tháng học và thực hành em trở thành nhân viên chính thức, lương mỗi tháng được 1.200.000 đồng. Có nhiều chị ở đây đã làm được 5 năm, tay nghề rất cao, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi các chị ấy sẽ về quê mở tiệm. Có một cơ sở làm đẹp do chính mình làm chủ cũng là ao ước của tất cả bọn em, vì theo em nghĩ: làm đẹp, làm khỏe cho mọi người thì ở đâu lại chẳng cần !".

Theo Phạm Lữ
Thanh Niên