1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Những chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ tháng 3

Xuân Hinh

(Dân trí) - Hướng dẫn điều chỉnh tăng 7,4% lương hưu và trợ cấp BHXH, tăng mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc, tiền lương làm căn cứ bồi thường tai nạn lao động... có hiệu lực từ tháng 3.

Những chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ tháng 3 - 1

Nhiều chính sách lương, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ tháng 3.

Hướng dẫn điều chỉnh tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH

Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3. Cụ thể, từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng của tháng 12/2021.

Những người được điều chỉnh gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

Tăng trợ cấp đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc

Thông tư 2/2022/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/3 và thay thế Thông tư 09/2019/TT-BNV quy định về mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ cấp xã già yếu đã nghỉ việc được điều chỉnh như sau:

Tăng từ mức 2.116.000 đồng/tháng tăng lên 2.473.000 đồng/tháng đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.

Tăng từ mức 2.048.000 đồng/tháng lên mức 2.400.000 đồng/tháng đối với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã.

Những cán bộ có chức danh khác tăng từ 1.896.000 đồng/tháng lên 2.237.000 đồng/tháng.

Những chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ tháng 3 - 2

Tiền lương làm căn cứ bồi thường tai nạn lao động.

Tiền lương làm căn cứ bồi thường tai nạn lao động

Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/3.

Theo đó, tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp.

Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.

Hướng dẫn tính tần suất tai nạn lao động để giảm mức đóng BHXH bắt buộc

Có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, Thông tư 27/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cách tính tần suất tai nạn lao động để được giảm mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tại Điều 8 Thông tư 27/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tính tần suất tai nạn lao động làm căn cứ để được áp dụng mức đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo công thức: Ki = (Ni x 1000)/Pi.

Theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp được đề xuất áp dụng mức đóng BHXH thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (chỉ phải đóng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thay vì 0,5%) khi đáp ứng các điều kiện theo quy định, trong đó có điều kiện về tần suất về tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất.