Những chàng trai trẻ người Thái nuôi cá trên lòng hồ thủy điện

Nguyễn Duy Nguyễn Tú

(Dân trí) - Hàng ngàn ha mặt nước vùng hồ thủy điện Hủa Na (Nghệ An) đã không còn bỏ hoang như nhiều năm trước. Thay vào đó, một hợp tác xã nuôi cá lồng của những chàng trai trẻ người Thái đã được hình thành.

Những chàng trai trẻ người Thái nuôi cá trên lòng hồ thủy điện - 1

Các lồng cá giữa lòng hồ thủy điện Hủa Na, huyện Quế Phong (Nghệ An).

Nuôi cá để thoát nghèo

Hủa Na là hồ thủy điện lớn thứ 2 ở Nghệ An. Trong quá trình hình thành hồ thủy điện này, một cuộc di dân gần 1.400 hộ gia đình đã từng được diễn ra. Khi nước dâng cao đến đâu, người dân phải di dời tái định cư đến đó.

Thấy một số nơi nuôi cá lồng thành công từ việc tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, nhiều thanh niên người Thái nơi đây đã nảy sinh ý tưởng làm theo.

Nhưng từ suy nghĩ đến khi bắt tay vào thực hiện là cả một quá trình, nhiều hộ muốn triển khai nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Điều khó khăn ban đầu phải kể đến là nguồn vốn. Bởi trước khi ra vùng lòng hồ thủy điện để nuôi cá, vốn liếng của nhiều hộ ở đây chỉ là "hai bàn tay trắng" và phải đi vay vốn ngân hàng.

Và khi đã vay rồi, dù cá có bán được hay không, các hộ vẫn phải chi trả các khoản hàng tháng, như: Lãi suất ngân hàng, chi phí thuê nhân công chăm sóc và trông coi lồng bè.

Những chàng trai trẻ người Thái nuôi cá trên lòng hồ thủy điện - 2

Những chàng trai trẻ người Thái đã tận dụng hàng ngàn ha mặt nước vùng lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng.

Anh Lang Văn Sáng (SN 1987), ở bản Pù Duộc, xã Đồng Văn (huyện Quế Phong) là một trong những người đầu tiên đóng lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện.

"Gia đình tôi đã nuôi 20 lồng cá. Lúc đầu tôi xem trên ti vi, sách báo và làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của huyện nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Sau khi nắm được kiến thức cơ bản thì hai vợ chồng tự làm rồi nhân rộng mô hình", anh Sáng kể.

Theo anh Sáng, thức ăn của cá chủ yếu lấy từ tự nhiên như: Lá chuối, cỏ và cá nhỏ xay nhuyễn, do vậy thịt cá ăn dai và thơm ngon. Nhờ thời tiết thuận lợi và sự tìm tòi về kỹ thuật, bước đầu, gia đình anh Sáng đã thu lãi khoảng hơn 100 triệu đồng/năm từ việc nuôi cá lồng.

Gia đình anh Trần Văn Thuận, ở bản Piềng Văn (xã Đồng Văn) trước đây cũng là một hộ nghèo. Thấy mọi người đóng lồng nuôi cá, anh Thuận đã mạnh dạn vay mượn rồi làm 60 lồng cá với ước mơ đổi đời.

Những chàng trai trẻ người Thái nuôi cá trên lòng hồ thủy điện - 3

Thức ăn của cá chủ yếu là những thứ có sẵn như: Lá chuối, cỏ xanh.

"Những năm đầu không có kinh nghiệm, kỹ thuật nên khi nuôi cá chết nhiều khiến tôi rất lo lắng. Sau nhiều vất vả ban đầu, gia đình tôi giờ đây đã thoát nghèo. Từ 60 lồng cá, mỗi năm gia đình tôi thu được 700 triệu đồng, trừ chi phí còn lại gần 200 triệu đồng", anh Thuận cho biết.

Từ  khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các loại cá bắt đầu rớt giá mạnh. Nếu như cuối năm ngoái, cá chình dao động khoảng 100.000-110.000 đồng/kg nay chỉ còn 70.000 đồng/kg; cá lăng 120.00 đồng/kg còn 100.000 kg... Tuy nhiên, dù giá giảm sâu nhưng người nuôi vẫn không bán được vì thương lái không thu mua.

Mặc dù sản phẩm cá nuôi lồng của bà con nơi đây được đánh giá là có chất lượng, nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu và cách trung tâm thành phố khá xa nên việc tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn.

Hợp tác xã giữa lòng hồ

Trên vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na đang có hơn 400 lồng cá của gần 30 hộ dân ở xã Đồng Văn. Các giống cá chủ yếu được người dân thả như: Cá vược, cá lăng, trắm giòn và cá chình và giống được mua từ các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Mỗi lồng thả từ 200 - 300 con, thông thường từ khi thả đến khi thu hoạch là một năm. Trong quá trình nuôi, tùy vào nhu cầu của khách mua, người nuôi có thể bán tỉa dần. 

Những chàng trai trẻ người Thái nuôi cá trên lòng hồ thủy điện - 4

Vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na đang có hơn 400 lồng cá của gần 30 hộ dân ở xã Đồng Văn.

Sản phẩm từ cá thiếu thương hiệu, tiêu thụ tự phát..., những bất cập ấy đã được những hộ nuôi cá lồng khắc phục bằng việc quyết tâm thành lập mô hình hợp tác xã (HTX). Nhờ vậy, nghề nuôi cá lồng đã dần đi vào ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo. 

Chàng trai, Lang Văn Mão (SN 1987), Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hủa Na tâm sự: "Khi chưa thành lập HTX, việc nuôi cá lồng thì mạnh ai nấy làm. Chúng tôi thành lập HTX là để hỗ trợ nhau trong sản xuất và muốn quảng bá, giới thiệu sản phẩm tốt hơn".

Điều đặc biệt, những thành viên của HTX nơi đây là những người có tuổi đời còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8X, 9X. Điển hình như: Lang Văn Quý, Lang Văn Xô… mới 28 - 30 tuổi nhưng đã sở hữu hàng chục lồng nuôi cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao.

Những chàng trai trẻ người Thái nuôi cá trên lòng hồ thủy điện - 5

Các loại cá được nuôi ở đây chủ yếu như: Cá vược, cá lăng, trắm giòn và cá chình.

"Nhiều thành viên của HTX từng xa quê nhiều năm để kiếm việc làm. Khi chúng tôi thành lập HTX và nhận thấy nghề nuôi cá lồng có hiệu quả, họ đã về quê, quyết chí lập nghiệp, làm giàu chính trên mảnh đất quê hương", anh Mão cho biết thêm.

Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết: "Nghề nuôi cá lồng đang là nghề kinh tế mũi nhọn, có hiệu quả cao. Chúng tôi rất mừng khi bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã biết làm giàu từ nghề nuôi cá thương phẩm trên vùng lòng hồ. Cũng nhờ nuôi cá, nhiều hộ người Thái đã thoát nghèo và có kinh tế ổn định".

Những chàng trai trẻ người Thái nuôi cá trên lòng hồ thủy điện - 6

Anh Lang Văn Mão, Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hủa Na, khoe sản phẩm từ mô hình cá lồng.

Ông Hiền cũng cho biết thêm: "Để tránh rủi ro trong quá trình nuôi cá của người dân, phía huyện cử cán bộ kỹ thuật để hỗ trợ, hướng dẫn tỉ mỉ các khâu từ chọn con giống, cho ăn, chăm sóc hàng ngày…".

Năm 2012, khi công trình thủy điện Hủa Na (Đồng Văn, Quế Phong) được triển khai, 16 bản và 1.362 hộ dân tại 2 xã Thông Thụ và Đồng Văn đã được di dời tới 13 điểm tái định cư, trong đó có 7 điểm tái định cư thuộc xã Đồng Văn và Tiền Phong.

Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Phong cho biết, HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện là một trong những mô hình đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cao. Từ một vùng đất "khó", hiện nay huyện Quế phong đã "chuyển mình" trong việc phát triển kinh tế. Hàng năm mỗi hộ dân thu từ hàng trăm triệu đồng từ mô hình này. Bên cạnh đó, việc nuôi cá lồng còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương.