Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Những câu chuyện trên hành trình tìm con chữ ở Khuổi Bốc

CTV

(Dân trí) - Nằm chót vót trên núi cao, thôn Khuổi Bốc, xã Xuân La (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) với những nếp nhà đơn sơ nằm rải rác khắp các quả đồi. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao.

Khuổi Bốc vẫn chưa có điện, cuộc sống hết sức khó khăn. Vậy mà nhiều tháng nay, từ người tóc đã chuyển màu muối tiêu, tới anh nông dân vạm vỡ, người mẹ trẻ đều ê a đánh vần ở lớp học xóa mù chữ…

Theo lời hẹn với anh Văn Phúc Hòa- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân La chúng tôi hỏi đường đến điểm trường Khuổi Bốc. Men theo con đường bê tông nhỏ chỉ vừa một xe, chúng tôi đến với điểm trường Khuổi Bốc nhỏ bé nằm giữa cánh rừng bạt ngàn, từ xa đã vang lên tiếng đọc bài rất chậm.

Những câu chuyện trên hành trình tìm con chữ ở Khuổi Bốc - 1

Lớp xoá mù chữ ở Khuổi Bốc, xã Xuân La, huyện Pác Nặm (Ảnh: Triệu Hoàng Giang)

Cuối tháng 8, tranh thủ các em học sinh đang nghỉ hè, Lớp xóa mù chữ học đúng giờ buổi chiều, còn khi các con cháu học, các "ông, bà, bố, mẹ" lại phải tranh thủ giờ trưa, sau khi xong việc trên bài nương, đồng ruộng rồi ăn vội bát cơm  để nhanh đến lớp theo học con chữ.

 Trong lớp, những học viên nam nữ đã chật kín với đủ độ tuổi đang chăm chú chỉ tay, tròn miệng đánh vần từng chữ. Một hình ảnh chúng tôi chỉ thấy xuất hiện trong những thước phim tư liệu lịch sử về phong trào bình dân học vụ hiện ra ở điểm trường Khuổi Bốc.

Giờ đây các học viên đang dùng những ngón tay chỉ từng con chữ, ánh mắt tập trung theo từng phép tính trên bảng đen. Những đôi tay khô ráp từ trước đến nay thành thạo cầm quốc, cầm dao mà nay bắt đầu tập cần bút, giữ vở bỗng trở nên vụng về, khó nhọc. 33 học viên là những câu chuyện thú vị về hành trình tìm đến với con chữ của bà con người Mông, Dao nơi bản vùng cao này

Trong góc cuối lớp hình ảnh một người đàn ông trung tuổi một tay giữ sách đánh vần theo cô giáo, tay còn lại giữ cháu trai bên cạnh. Anh vẫn còn khá rụt rè khi nói chuyện với chúng tôi nhưng khi hỏi về lý do theo học anh Thào Văn Ky (sinh năm 1982- dân tộc Mông), chia sẻ một cách rành mạch.

Anh Ky kể, ngày trước không có điều kiện để đi học, bao nhiêu năm nay cuộc sống vẫn khó khăn như vậy nên tôi muốn đi học cái chữ có thể học được những kiến thức để phát triển chăn nuôi, trồng trọt và hiểu những điều cán bộ hướng dẫn.

Đồng thời khi biết chữ, tôi sẽ đọc và tìm hiểu những chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước từ những văn bản, bài báo để hiểu biết nhiều hơn, chữ cho tôi nhiều lợi ích lắm. Hi vọng sau này cuộc sống của tôi sẽ được cải thiện nhiều hơn.

Với chị Dương Thị Dậu - sinh năm 1990 - dân tộc Mông, hành trình đến với lớp học cũng thật thú vị. Là học viên tiến bộ nhanh nhất của lớp, chị luôn được cô giáo đánh giá cao về nỗ lực học.

 Chỉ kể, ngày trước vì bố mẹ chị Dậu mất sớm, ở với cậu gia đình khó khăn nên không có điều kiện đi học. Đến khi lấy chồng chị cũng chưa biết chữ. Nhiều lần đi xe máy, nhìn thấy ngã ba đường có treo biển chỉ dẫn nhưng vì không biết đọc nên chị hay bị lạc đường.

Do vậy, khi có lớp xóa mù mở ra, chị rủ cả chồng theo học. Đến nay, sau khi học được 4 tháng chị đã có thể đọc và viết. "Biết đọc, biết viết, tôi thấy nhẹ lòng lắm, thấy bản thân tốt cho đời, biết viết tên của mình, đi đâu cũng sẽ biết đọc biển chỉ dẫn không sợ bị lạc đường nữa", chị Dậu chia sẻ.

Không chỉ có vậy chị Dậu giờ đây còn có thể nhắn tin, dùng điện thoại thông minh nữa. Hỏi về bí kíp học tiến bộ nhanh, chị thật thà kể, ngoài việc chăm chú học trên lớp, khi về nhà chị còn nhờ con trai đang theo học lớp 7 dạy thêm nữa.

Không chỉ có các học viên, câu chuyện của cô Hoàng Thị Diệm - Chủ nhiệm lớp cũng là câu chuyện cảm động về tinh thần trách nhiệm của một người giáo viên yêu nghề, và tình cảm đặc biệt dành cho những người dân cần chữ ở Khuổi Bốc.

Nhìn vào những học viên đang tìm hiểu những kiến thức tưởng chừng như không còn xa lạ với mọi người, những từ ngữ vốn rất phổ biến cô Diệm chia sẻ: Ba tháng nghỉ hè này kể cả thứ 7, chủ nhật năm nay cô vẫn chưa có được ngày nghỉ.

Tranh thủ không có học sinh, cô Diệm và cô Bàn Thị Hoài thay nhau ở lại dạy các học viên hoàn thành khóa học đầu tiên. Mệt mỏi, khó khăn nhưng khi thấy những thành quả đạt được dường như những khó khăn ấy tan biến.

Cô Diệm kể, nhiều khi cô muốn xin nghỉ ngơi một thời gian nhưng học viên ở đây ham học lắm. Có lần cô nhận được tin nhắn của học viên khoe rằng đã biết sử dụng điện thoại, mọi mệt mỏi dường như tan biến, đó trở thành động lực để cô tiếp tục.

Từ những người nông dân không biết đọc, không biết viết, giờ đây đã tự nhắn tin trao đổi, chia sẻ cho cô giáo.

Đó là niềm hạnh phúc, là động lực cho cô Diệm tiếp tục hành trình truyền dạy con chữ. "Các học viên ở đây chăm học lắm, có người cách trường hơn 3km vẫn chăm chỉ đến học. Hầu hết các học viên đều rất chịu khó học chữ, bởi vậy mà đến nay cả lớp đều đã biết viết, biết đọc cơ bản" - cô Diệm chia sẻ.

Đã là năm thứ hai các học viên ở Khuổi Bốc theo học lớp xóa mù chữ trải qua những buổi học ban đầu với nhiều khó khăn thì giờ đây, đa số học viên đã biết đánh vần, đọc các bài thơ, đoạn văn ngắn, làm được phép tính cộng trừ nhân chia với 2 chữ số.

Những nét chữ dù còn nguệch ngoạc, những tiếng đánh vần vẫn còn ngọng nghịu, thế nhưng "ánh sáng" từ những lớp học xóa mù chữ như thế này chắc chắn sẽ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên giới khi bà con được tiếp cận gần hơn với thông tin từ những phương tiện truyền thông. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, tiến gần hơn với sự phát triển chung của xã hội.

Ông Lê Văn Tuân - Chủ tịch UBND, Giám đốc TT học tập cộng đồng xã Xuân La, huyện Pác Nặm cho biết: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho Xã Xuân La tổ chức các lớp xóa mù chữ.

Xã Xuân La có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, người dân chưa biết chữ còn nhiều do vậy có các lớp xóa mù chữ đến tận thôn, bản khiến người dân rất háo hức. Khi biết chữ, người dân sẽ dễ tiếp cận được sự phát triển chung của xã hội, không bị tụt lại phía sau.

Lớp xóa mù chữ từ khi được mở luôn được bà con trong xã ủng hộ, nhiệt tình tham gia. Dù vẫn còn một số hạn chế, vì các học viên đều là lao động chính trong gia đình, tuy vậy vì muốn được học chữ, bà con trong xã vẫn nhiệt tình tham gia, đàm bảo đủ học viên, đủ thời gian theo học.

Mong rằng trong thời gian tới, xã Xuân La sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành về kinh phí để mở thêm các lớp học xóa mù chữ. Hai năm vừa qua, Xuân La đã mở được 3 lớp xóa mù chữ ở các thôn, bản, tuy vậy vẫn còn nhiều người dân chưa có điều kiện được tiếp cận với các lớp học. Vẫn cần 2, 3 lớp xóa mù chữ ở các thôn, bản để đáp ứng được nhu cầu học của bà con.

Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 hướng tới mục tiêu: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.