Nhu cầu đã đảo chiều trên thị trường lao động
Lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, lao động lành nghề sẽ đóng vai trò chủ đạo thay cho sự chiếm lĩnh của lao động phổ thông kéo dài suốt mấy năm qua. Đây là xu hướng tuyển dụng lao động được xác định cho những tháng cuối năm 2010.
Tuy nhiên, về cơ cấu trình độ nghề đã có những khác biệt: nhu cầu lao động có trình độ đại học chiếm 25%; cao đẳng, trung cấp 40%; sơ cấp nghề, lao động phổ thông 35% (tỷ lệ này thời gian trước và gần nhất hồi tháng 5/2010 là 70%).
Tìm lao động kỹ thuật để đầu tư cho tương lai
Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất hiện nay là: marketing – nhân viên kinh doanh, dịch vụ và phục vụ, giao thông – vận tải – thuỷ lợi, dệt – may – giày da, cơ khí – luyện kim, kế toán – kiểm toán, bán hàng, công nghệ thông tin.
Các khu vực dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng là doanh nghiệp tư nhân, liên doanh, đầu tư nước ngoài.
Nhiều nhà tuyển dụng khẳng định, việc thu nhận lao động kỹ thuật vào thời điểm hiện nay chủ yếu là để “đầu tư cho tương lai”. Bên cạnh đó, họ cũng cần tuyển dụng những lao động có kinh nghiệm để phục vụ ngay cho nhu cầu sản xuất – kinh doanh khá căng thẳng trong những tháng cuối năm.
Vì thế, số lao động kỹ thuật có kinh nghiệm càng trở nên quý hiếm hơn ở thời điểm hiện tại.
Theo nhận định của trang tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks.com, từ đầu năm 2010 đến giờ, “lợi thế” chưa bao giờ rời khỏi tay các nhà tuyển dụng. Giờ đây, dù có nguồn cung lớn về nhân lực kỹ thuật (tháng 8 là thời điểm tốt nghiệp ra trường của hàng trăm ngàn sinh viên, học sinh từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường nghề…), các nhà tuyển dụng cũng vẫn sẽ không “lỏng tay” mà càng có cơ hội sàng lọc, tuyển chọn lao động với những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Tính chất cạnh tranh trên thị trường lao động cũng vì thế mà quyết liệt hơn.
Lao động phổ thông chưa hết thời
Có một thực tế là tiền lương của lao động phổ thông trong các doanh nghiệp hiện vẫn thấp hơn so với thu nhập của lao động khu vực phi kết cấu (khu vực buôn bán nhỏ, tiểu thương…) Đó là nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông vẫn tiếp diễn, tuy không còn quá “nóng bỏng” như thời gian trước.
Khẳng định nhu cầu lao động phổ thông của thị trường không hề giảm, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia phân tích thị trường lao động, cho biết: sau một thời gian dài chạy đôn chạy đáo để tìm nguồn lao động phổ thông, đến giờ, phần lớn các doanh nghiệp đã phải có những điều chỉnh về sách lược nhằm hướng tới mục tiêu ổn định về nhân lực. Trong khi một số chấp nhận điều chỉnh quy mô sản xuất phù hợp với lực lượng lao động hiện có thì những doanh nghiệp khác lại “âm thầm” bổ sung lực lượng lao động bằng nhiều cách thức khá linh hoạt.
“Hàng tuần, chúng tôi điều một xe ôtô trực tiếp xuống một địa phương nào đó, thông qua mạng lưới cộng tác viên tại chỗ để vận động người lao động đi làm. Tiến hành thoả thuận tiền lương xong là ký hợp đồng, đưa về nhà máy nhận việc ngay”, ông H., Giám đốc nhân sự một doanh nghiệp da giày ở quận Thủ Đức (TP.HCM) nói về việc đi tuyển lao động phổ thông của mình hiện nay.
Áp dụng “lương thoả thuận” cũng là cách các doanh nghiệp sử dụng để tìm kiếm lao động phổ thông hiện nay.
Chị T., cán bộ nhân sự công ty Nike ở khu công nghiệp Đồng An (Bình Dương), cho rằng: “Hiện tại không có nhiều doanh nghiệp công khai chính sách tiền lương theo mặt bằng chung, cố định. Cách làm phổ biến là tiến hành đàm phán riêng lẻ để đi đến thoả thuận với từng người lao động. Điều này đòi hỏi người lao động phải tự đánh giá một cách chính xác khả năng, giá trị của mình trước khi đi xin việc”.
Đánh giá chung về thị trường lao động, các cơ quan chuyên môn vẫn cho rằng sự thiếu hụt lao động kỹ thuật chất lượng cao và một bộ phận lao động phổ thông ở những doanh nghiệp thâm dụng lao động sẽ còn tạo nên những mất cân đối nhất định trong thời gian tới.