1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Những ngày cuối năm, xóm chổi đót đang nhộn nhịp với hàng trăm đơn hàng từ khắp nơi để "cứu vãn" một năm ảm đạm vì dịch Covid-19.

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm
Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 1
Xóm làm chổi đót trên đường Phạm Văn Chí (quận 6, TPHCM) được hình thành từ thập niên 60 thế kỷ trước.

Hơn 30 năm gắn bó với cây chổi

Xóm làm chổi đót trên đường Phạm Văn Chí (quận 6, TPHCM) được hình thành từ thập niên 60 thế kỷ trước, do những người dân di cư từ Quảng Ngãi mang vào.

"Trước đây, hầu hết nhà trong hẻm đều làm chổi đót, nhưng khoảng 10 năm trở lại thì chỉ còn chưa đến 10 hộ theo nghề này, mà chủ yếu là người lớn tuổi làm thôi", bà Nguyễn Thị Thu Hồng (49 tuổi) chia sẻ.

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 2
Cô Nguyễn Thị Thu Hồng được ba mẹ chồng truyền lại nghề làm chổi.

Cô Hồng chia sẻ thêm, hơn 30 năm trước, cô được gia đình bên chồng chỉ lại nghề làm chổi nên cô gắn bó với cây chổi từ đó đến nay.

Nguyên liệu chính để làm chổi là cây đót, được lấy ở vùng núi các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi. Bông đót làm chổi phải cắt khi còn xanh và chưa nở hoa rồi phơi khô. Đót khi khô phải có màu sáng, mịn, dai để làm chổi cho bền và chắc.

Công việc này cần chỗ làm rộng rãi, các cơ sở của cô Hồng thường thuê ít nhất 4 nhân công. Mỗi người làm một công đoạn như tước bông, quấn dây, bện chổi...

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 3
Cô Hồng đã chuẩn bị vật liệu từ tháng 11 để phục vụ dịp tết.

"Nghề này đơn giản lắm, đây cũng là nghề tự do, nên mọi người có thể chủ động thời gian nhất là đối với những người phụ nữ giống như mình. Mình vừa có thể chăm lo nhà cửa vừa có thể làm chổi để kiếm thêm thu nhập", cô Hồng chia sẻ.

Trong các công đoạn làm chổi, công đoạn tước bông và quấn kẽm được cô Hồng cùng với các thợ tại cơ sở đánh giá là khó nhất. Khi tước bông nếu không cẩn thận thì khi gặp những đoạn bén có thể cứa vào tay chảy máu. Hơn nữa người thợ phải chịu rất nhiều bụi bặm, ai mới làm thì có thể ho cả ngày do hít phấn hoa rụng xuống.

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 4
Ông Trần Minh Cường (45 tuổi) đã gắn bó với nghề hơn hai chục năm cho biết, khâu quấn kẽm là khâu khó nhất vì chỉ có đàn ông có tay khỏe thì mới có thể quấn kẽm để cố định các bó đót nhỏ.

Ông Trần Minh Cường (45 tuổi) đã gắn bó với nghề hơn hai chục năm cho biết: "Khâu quấn kẽm là khâu khó nhất vì chỉ có đàn ông có tay khỏe thì mới có thể quấn kẽm để cố định các bó đót nhỏ thành bó lớn, tạo thành cây chổi thô, nếu người thợ quấn không đều, thiếu chặt thì chổi sẽ tời ra hết".

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 5
Đến nay, mỗi ngày cơ sở của cô Hồng xuất khoảng từ 200 - 300 cây với giá dao động từ 20-50.000 đồng một cây.

Những cây chổi khi hoàn thiện có giá bán sỉ từ 20.000 đến 50.000 đồng tùy vào bông đót được bện nhiều hay ít, có loại có giá 70.000 - 100.000 đồng/một cây. Trung bình, mỗi ngày cơ sở của cô Hồng sản xuất được 100 cây chổi thủ công.

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 6
Khi bắt đầu vụ tết, cô Hồng đã tuyển thêm thợ để có thể có đủ nhân lực để phục vụ đủ số lượng mà các thương lái đã đặt.

"Hiện tại, chổi của cơ sở mình đã được bán khắp nước và xuất khẩu cả ra nước ngoài. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mình chỉ có thể bán trong nước nên doanh thu cũng giảm. Mình chỉ có một mong muốn là thị trường sẽ dần trở lại để có các đơn hàng tạo cơ hội cho mình tiếp tục công việc và giữ gìn nghề của ông bà để lại", cô Hồng Tâm sự.

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 7
Đối với người mới mà theo học nghề có thể sẽ bị ho cả ngày vi phấn hoa của bông của cây đọt bị rơi xuống.

Xóm chổi nhộn nhịp dịp Tết

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 8
Công đoạn cuối, người thợ dùng dao chặt phần đầu, cán chổi cho gọn gàng.

Giữa tháng 12 âm lịch, đây là thời điểm bận rộn nhất của các gia đình còn theo nghề làm chổi thủ công tại đây. Vào những ngày cận tết, nhu cầu của thị trường rất lớn, những người thợ phải làm hết sức để có thể sản xuất từ 200-300 cây mỗi ngày, cung ứng cho thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận.

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 9
Hàng xóm của chị Hồng, là chị Huỳnh Thị Kim Thảnh đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề này.

"Theo nhiều người quan niệm, năm mới phải sắm cây chổi mới để nhận được nhiều cái mới. Vì thế, mặc dù còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhu cầu của thị trường rất cao, không kém nhiều so với năm ngoái", cô Hồng cho biết.

Mỗi ngày, cơ sở sản xuất của cô Hồng bắt đầu làm việc từ 5h sáng và kết thúc vào 17h từ thứ 2 đến thứ 7. Như vậy mới có thể sản xuất đủ số lượng chổi mà các thương lái đã đặt trước.

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 10
Mùa vụ tết năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chị Thảnh không làm nhiều như những năm trước.

"Vì số lượng thợ làm chổi ngày càng ít, nên tôi chỉ có thể nhờ thợ của mình tăng thêm giờ làm để có thể sản xuất kịp sản xuất phục vụ Tết Tân Sửu 2021. Cùng với đó, việc sản xuất chổi đang bước vào giai đoạn cao điểm nhất nên phải tập trung mọi nguồn lực", cô Hồng tâm sự.

Cách cơ sở làm chổi của cô Hồng 200 mét là nhà của cô Huỳnh Thị Kim Thảnh (57 tuổi). Bà Thảnh đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm chổi đót thủ công. Năm nay, do dịch Covid-19 nên lượng chổi sản xuất của tiệm bà Thảnh cũng bị giảm đáng kể. 

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 11
Công đoạn khó nhất là so những cây đọt làm sao để các nhánh bằng nhau khi bó lại thì không bị xê dịch cây chổi.

"Vì ảnh hưởng của dịch nên năm nay nhà cô cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Bình thường những năm trước là cả gia đình cô và thêm một vài người thợ phải làm từ sáng sớm đến khuya thì mới có thể sản xuất đủ hàng để đáp ứng nhu cầu tết. Năm nay, vì dịch nên gia đình cô chỉ làm tới chiều nhưng mỗi ngày cô vẫn giao cho mỗi thương lái từ 70 - 100 cây chổi", cô Thảnh chia sẻ.

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 12
Công đoạn quan trọng nhất là dùng búa để đập vào chổi thô để nén chặt các bó đót nhỏ cho đều lại với nhau.

Những ngày cận tết, các cơ sở làm chổi tại xóm chổi (quận 6, TPHCM) chỉ có một mong muốn là mọi điều luôn suôn sẻ, thuận lợi và khi tới dịp tết. Và mong ước lớn nhất là nghề làm chổi truyền thống sẽ có một chỗ đứng vững chắc và không bị mai một. Đây chính là mong muốn của những người làm chổi như cô Hồng và cô Thảnh.

Nhộn nhịp xóm chổi đót ở Sài Gòn dịp cuối năm - 13
Những người như cô Hồng và cô Thảnh chỉ mong muốn làng nghề này được duy trì và phát triển.