1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cà Mau:

Nhọc nhằn nghề vác tràm thuê

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Chợ tràm huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) là nơi mưu sinh của hàng trăm lao động tự do. Nghề vác tràm cực nhọc nhưng nhiều người vẫn gắn bó vì mang lại nguồn thu nhập khá.

Nhọc nhằn nghề vác tràm thuê.
Nhọc nhằn nghề vác tràm thuê - 1
Bãi tập kết chợ tràm U Minh Hạ dọc theo tuyến đường Cà Mau - U Minh.

Chợ tràm U Minh đã có chừng 10 năm qua, nằm ven đường dọc theo xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Chợ đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó có nghề vác tràm với thu nhập ổn định.

Anh Phạm Minh Mẫn (38 tuổi, ngụ ấp 10, xã Nguyễn Phích) cho biết, gia đình không đất sản xuất ai thuê mướn gì anh cũng nhận làm. Ngày trước anh Mẫn đi đốn tràm thuê nhưng thu nhập chẳng mấy ổn định nên chuyển qua nghề vác cừ tràm thuê cho các điểm tập kết.

Nhọc nhằn nghề vác tràm thuê - 2
Sau khi thu mua tràm, chủ các điểm tập kết sẽ cho người vào chặt, vận chuyển cây tràm ra chợ tràm U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau.

"Tôi làm nghề vác cừ tràm thuê được 5 năm nay. Mỗi ngày trung bình tôi và những người làm nghề kiếm được khoảng 300.000 đồng/ngày, đủ trang trải cho cuộc sống. Lúc mới vác, tôi đau nhức tay chân nhưng sau rồi quen", anh Mẫn chia sẻ.

Tháng Giêng trở đi là lúc tràm đi hàng nhiều nhất, mấy ngày đó vác tràm từ sáng sớm đến tận khuya mới xong. Đổi lại, anh kiếm được 500.000 đồng/ngày.

Theo nhiều người làm nghề vác tràm thuê tại chợ tràm, đa số những người đi làm đều mang theo cơm để tiết kiệm chi phí. Tuy công việc vất vả nhưng đây là nghề có thu nhập khá ổn đối với những hộ không đất sản xuất hoặc lúc nông nhàn.

Nhọc nhằn nghề vác tràm thuê - 3
Anh Phan Minh Mẫn đang vác tràm giao cho xe tải.

Ông Lê Tấn Phương (60 tuổi) nhà ở tận Kiên Giang nhưng vì mưu sinh nên đã lặn lội sang rừng tràm U Minh kiếm sống. Ông cho biết: "Nghề vác tràm chính là nghề lấy sức đổi cơm đó cô ơi. Tại chợ tràm không thiếu nhân công vác tràm nhưng người lớn tuổi như tôi thì đếm trên đầu ngón tay".

Khi có ghe đến chở tràm, người lao động vác cây lên rồi phân loại theo kích thước. Có những cây tràm nặng từ 50 - 60kg, 2 người phải hỗ trợ nhau mới vác nổi.

Nhọc nhằn nghề vác tràm thuê - 4
Tràm được vận chuyển cả đường bộ lẫn đường thủy .

Chị Lê Mỹ Thể chủ vựa tràm Bảo Thùy ngụ ấp 9 (xã Nguyễn Phích) đã bắt đầu kinh doanh cừ tràm đã được hơn 10 năm nay.

"Mỗi giai đoạn đều có mỗi nhóm nhân công phụ trách riêng, tiền công ăn theo sản phẩm. Chỉ riêng vựa tràm của tôi đã có hơn 20 người lao động. Thu nhập bình quân mỗi người từ 200.000 - 300.000 đồng, thậm chí hơn" - chị Thể nói thêm.

Theo ông Nguyễn Hồng Biên - Phó Chủ tịch xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau - thu nhập chính của người dân trên địa bàn đa phần phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trồng tràm và keo lai. Toàn xã có hơn 2.000 ha rừng tràm và 22 điểm tập kết cừ tràm.

Nhọc nhằn nghề vác tràm thuê - 5
Nghề vác tràm dẫu cực nhọc nhưng giúp người dân ở quê có nguồn thu nhập khá.

"Nhờ cây tràm mà cuộc sống người dân xã Nguyễn Phích ổn định hơn trước rất nhiều. Hiện nay cây tràm có giá, nhiều hộ đã chuyển từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng thâm canh (lên liếp) trồng tràm bản địa, tràm ké và keo lai. Ngoài ra tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi, không có đất sản xuất với mức thu nhập bình quân từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày" - ông Biên cung cấp thêm.

Tràm cừ là loại tràm phân bố chính ở các vùng ngập mặn, khu vực ven sông, nơi nhiều phù sa ở nhiều tỉnh thành phía nam của Việt Nam như Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An,…

Cây này được sử dụng với mục đích để bảo vệ đất, ngăn ngừa tình trạng nước bào mòn đất nhờ khả năng cắm rễ rất sâu của loài cây này. Ngoài ra, thân tràm còn được dùng để làm nguyên liệu phục vụ xây dựng và đưa vào các công trình thủy lợi.