Nhiều trường nghề 'trắng' học viên
Năm 2015, nhiều cơ sở đào tạo nghề “trắng” học viên, đứng trước nguy cơ đóng cửa. Ngày 24/5, Tổng Cục dạy nghề tổ chức hội nghị bàn việc rà soát, sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề hoạt động không hiệu quả.
Cả tỉnh chỉ tuyển được 20 học viên/năm
Nhiều trung tâm, cơ sở đào tạo nghề ở địa phương đang rơi vào tình trạng “trắng” học viên. Năm 2015 có 6/63 tỉnh, thành phố không tuyển được học viên hệ cao đẳng nghề gồm tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Trị, Kon Tum, Bình Phước, Bắc Kạn. Có 5 tỉnh chỉ tuyển được khoảng trên dưới 20 học viên/ năm, không đủ để tổ chức đào tạo!
Ông Đặng Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Tĩnh cho biết, dù tỉ lệ học viên ra trường có việc làm lên đến 90% nhưng năm 2015 trường chỉ tuyển được khoảng gần 500 em. Trong số đó, 50% có điểm thi THPT quốc gia cao, đủ khả năng vào các trường ĐH nhưng vẫn đăng ký đi học nghề. Đặc biệt, theo ông Nghĩa, năm qua có sự lội ngược dòng của nhiều cử nhân và sinh viên ĐH bỏ dở chương trình học quay lại xin học nghề để dễ dàng tìm việc làm.
Vị hiệu trưởng này cho rằng, trường đã rốt ráo tìm nhiều giải pháp để tuyển sinh. Thậm chí cam kết cả đầu ra với mức thu nhập tương đối khá ở khu công nghiệp Vũng Áng nhưng vẫn chưa tuyển sinh được nhiều học viên như mong muốn. Mổ xẻ nguyên nhân, ông Nghĩa cho rằng, bên cạnh tâm lý chuộng bằng cấp thì một nguyên nhân cốt yếu đẩy các trường nghề vào tình trạng lay lắt là do hệ thống trường ĐH mở ra quá nhiều.
“Điểm sàn quá thấp, tuyển sinh nhiều đợt kéo dài đến cuối tháng 11 mới kết thúc thậm chí có trường còn xét tuyển cả học bạ. Nếu Bộ GD&ĐT không điều chỉnh thực trạng này sẽ khó tránh được việc mất cân đối về nguồn nhân lực”, ông Nghĩa nói.
Khó khăn của Trường cao đẳng nghề Hà Tĩnh cũng là tình trạng chung cho hệ thống cơ sở đào tạo nghề hiện nay. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội thông tin, là 1 trong 45 trường được đầu tư thành trường chất lượng cao của Hà Nội với cơ sở vật chất, máy móc thực hành hiện đại lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng trường đã phải tìm đủ mọi cách mới chiêu sinh được khoảng 1.200 học viên cho cả 3 cơ sở.
Tồn tại lay lắt, hàng trăm cơ sở dạy nghề sáp nhập
Năm 2015, cả nước có 469 trường đào tạo nghề thuộc quản lý của nhiều cơ quan chủ quản khác nhau. Tháng 7/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ LĐTB&XH phối hợp các đơn vị rà soát, sắp xếp, đánh giá lại các cơ sở nghề nghiệp. Đến nay, các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc rà soát 45 trường cao đẳng, 87 trường trung cấp nghề.
Việc sáp nhập các trường nghề hoạt động chưa hiệu quả thời điểm này vẫn đang chờ các cơ quan chủ quản tính toán. Trong khi các cơ sở nghề hoạt động không hiệu quả thì hệ thống các trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp ở nhiều huyện cũng tồn tại lay lắt. Tính đến cuối 2015, cả nước có 329 cơ sở dạy nghề công lập sáp nhập với nhau, trong đó có 169 huyện sáp nhập 3 trung tâm làm một, có 27 huyện sáp nhập 2 trung tâm làm một.
Theo ông Trần Minh Thảo, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên quận Kiến An (Hải Phòng), khi sáp nhập đã nảy sinh nhiều vấn đề. Cụ thể, có nơi không sắp xếp được bộ máy quản lý nên duy trì 1 người phụ trách, 5-6 người làm phó giám đốc hưởng lương theo chức vụ trong khi cơ sở nghề hoạt động không hiệu quả. “Vì vậy, ở quận Kiến An mới có chuyện, trung tâm có chức năng đào tạo nghề nhưng trung tâm không có nổi 1 giáo viên có chuyên môn để dạy nghề. Học viên đăng ký, trung tâm đành phải phối hợp với một trường cao đẳng nghề trên địa bàn để gửi học sinh đi đào tạo”, ông Thảo nói.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục Trưởng Tổng cục dạy nghề cho rằng, giải pháp hiệu trưởng nhiều trường nghề ký cam kết với học viên ngay khi vào học về việc đảm bảo đầu ra là rất hữu hiệu, có thể hút học viên trong thời gian tới. Ngoài ra, ông Minh đưa ra giải pháp hút học viên hữu hiệu chính là nâng cao chất lượng đào tạo để hội nhập. Học viên ra trường có thể tham gia bất kỳ thị trường lao động nào trong khu vực cũng như thế giới với mức lương được quy định theo hạn bậc.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Huỳnh Văn Tí đề xuất, trong thời gian tới cần ra quy định yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước tuyển sinh lao động phải có chứng chỉ nghề. Điều này vừa giải bài toán tuyển sinh cho các trường nghề vừa nâng cao chất lượng nguồn lực lao động. Riêng chuyện sáp nhập các cơ sở nghề hoạt động không hiệu quả, theo ông Huỳnh Văn Tí, cần tiến hành ngay. Thứ trưởng cũng yêu cầu các trường đào tạo nghề chú trọng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo ngoại ngữ...
Năm 2015 hệ thống các các trường nghề tuyển sinh được gần 2 triệu học sinh, trong đó 70,2% học viên ra trường có ngay việc làm. Những nghề đang hút nhiều học sinh hiện nay gồm: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Công nghệ ô tô, Hàn, Quản trị mạng, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Quản trị khách sạn…Những nghề này có lượng tuyển sinh trung bình đạt 2.000 người/ năm trở lên, đi đầu là nghề Điện công nghiệp năm 2015 tuyển sinh đạt gần 25.000 người. Nguồn: Bộ LĐTB&XH
Theo Báo Tiền phong