Trường nghề cần chủ động hội nhập
Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhiều trường cao đẳng (CĐ) nghề chất lượng cao gặp áp lực khi phải đào tạo ra nguồn nhân lực đạt chuẩn trong nước và khu vực. Và các trường phải tự xoay xở trong điều kiện thực có của mình.
Liên kết
Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy, cơ chế chính sách là 4 rào cản cho các trường CĐ nghề để "cho ra lò" nhân lực có kiến thức và kỹ năng nghề. Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh đã giải quyết bài toán này thông qua các dự án nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Hằng – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Khi làm dự án với Đức, Nhật, Hàn Quốc…, chúng tôi kết hợp với những DN mạnh của họ.
Những người làm kỹ thuật của các DN nước ngoài trang bị cho sinh viên (SV) kỹ năng làm việc. Cho dù trình độ ngoại ngữ chưa giỏi để nghe họ giảng, nhưng các em đã học được những kỹ năng và thao tác chuyên nghiệp". Đến nay, trường đào tạo được một số lớp theo chương trình công nghệ Nhật Bản.
Đặc biệt, các ngành thuộc lĩnh vực cơ khí, đã có một số SV thi đạt chứng chỉ của Nhật Bản, sau khi tốt nghiệp được các DN Nhật mời sang làm việc với mức lương 1.000 – 2.000 USD/tháng; làm ở trong nước, thu nhập cũng từ 10 triệu đồng trở lên.
Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu của trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ngoài việc trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp SV nắm vững chuyên môn, nhà trường tăng cường dạy ngoại ngữ để giúp SV hội nhập. “Chúng tôi đổi mới chương trình và phương pháp dạy ngoại ngữ để nâng mức chuẩn SV phải đạt 350 điểm TOEIC, thay cho thang 300 điểm theo quy định.
Đối với những nghề được quy hoạch đạt chuẩn quốc tế, trường đầu tư thêm trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu dạy của cán bộ, giáo viên cũng như thực hành của SV. Đồng thời, tăng cường cho SV đến các DN mà nhà trường hợp tác để học, thực hành và tiếp cận quốc tế” – ông Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Trong khi đó, trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội áp dụng giải pháp chương trình đào tạo gắn liền lý thuyết và thực hành song song.
Với 5 nghề trọng điểm, trường và các DN ký kết hợp tác trong đào tạo, sau đó lại ký với phụ huynh cam kết giới thiệu việc làm với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng.
Linh hoạt với thực tế
Lấy SV làm trung tâm là hoạt động xuyên suốt trong đào tạo được nhiều trường Việt Nam tiếp nhận. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Chi – Quản lý các dự án phát triển về giáo dục và dạy nghề của Hội đồng Anh tại Việt Nam: “Qua các dự án về dạy nghề mà chúng tôi triển khai với một số trường nghề của Việt Nam cho thấy, hoạt động này mới được chú trọng trên tiết dạy.
Với thế giới hội nhập, điều quan trọng nhất là khi tốt nghiệp, người học phải đạt được những kỹ năng, tiêu chuẩn gì về mặt kiến thức cũng như hành vi thái độ. Chúng ta cần phải so sánh, đối chiếu những tiêu chuẩn các bạn học được trong môi trường Việt Nam với quốc tế để biết đạt đến mức nào. Đạt được chuẩn đầu ra như các nước là quá trình lâu dài, có thể 5 - 10 năm, tùy theo sự phát triển nhanh hay chậm của trường cũng như hệ thống giáo dục Việt Nam”.
Theo bà Chi, các trường nghề của Việt Nam nên chú trọng nhiều tới yêu cầu của phía DN. Yêu cầu của DN càng rõ ràng về chất lượng nhân sự tuyển dụng thì các trường càng ý thức được nội dung, yêu cầu đào tạo cho SV. Thế nhưng, hiện nay, việc gắn kết giữa nhà trường và DN đa số vẫn dựa trên các mối quan hệ cá nhân, thay vì có cơ chế rõ ràng.
Trong khi Nhà nước đang rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện và chuẩn hóa các văn bản, trường nghề không thể ngồi chờ. Các trường cần chủ động, linh hoạt để sự hợp tác giữa hai bên - trường và DN cùng có lợi. Sự chủ động này cũng đã "có mặt" ở một số trường nghề, mà như Hiệu trưởng trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chẳng hạn, thời gian này, nhà trường chưa có kế hoạch đưa SV đến DN thực tập. Nhưng DN đang có hợp đồng lớn rất cần người làm thì nhà trường điều chỉnh lịch dạy để đưa SV đến giúp họ”.
Theo Báo Kinh tế đô thị