Nhiều người lao động làm việc xuyên ngày Tết
(Dân trí) - Những ngày đầu năm mới Tân Sửu, nhà nhà rộn ràng du xuân nhưng cũng có nhiều lao động đã bắt đầu công việc của mình. Họ đều hy vọng có thêm thu nhập trong những ngày đầu năm mới.
Công việc đầu năm thuận lợi hơn
Mồng 4 Tết, chị Lê Thị Hoa, trú tại Tri Trung (Phú Xuyên, Hà Nội) đạp xe hàng chục km qua từng con ngõ nhỏ để thu mua phế liệu. Theo kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề, chị cho rằng những ngày này, nhiều người bán giấy, chai lọ, vỏ lon nhiều hơn bất kỳ thời gian nào trong năm. Bởi vậy, công việc cũng thuận lợi hơn.
Chị Lê Thị Hoa bộc bạch: "Từ sáng tới giờ tôi phải nhờ chồng trở về 2 chuyến, trừ chi phí đi cũng lời được khoảng 400.000 đồng. Ngày thường đi cả ngày chỉ được khoảng 200.000 đồng".
Những ngày cuối năm và đầu năm mới, chị làm việc tích cực hơn. Hơn 10 năm qua, chị đều sắp xếp công việc gia đình để đi làm sớm những ngày đầu năm. Với chị mua được nhiều phế liệu chính là mùa xuân.
Cũng bận rộn làm việc trong ngày Tết, bà Hoàng Thị Thái, trú tại Trung Tú (Ứng Hòa, Hà Nội) cũng bắt đầu bán sạp hàng rau của mình vào những ngày đầu năm. Bà chia sẻ: "Những ngày này, nhu cầu mua hàng của người dân tăng gấp đôi, gấp ba lần ngày thường nên dù vẫn còn Tết nhưng tôi vẫn đi bán hàng".
Từ mồng 2 Tết, bà đều dậy sớm đi lấy rau về bán, thu nhập mỗi ngày được khoảng 500.000 đồng tăng gấp 2 lần so với ngày thường.
"Những ngày này, đi làm cũng nửa buồn nửa vui, buồn vì không được ở nhà quây quần bên con cháu vui vì bán được nhiều hàng. Ngày nào tôi cũng cố gắng bán hết hàng sớm để về với gia đình. Tôi chỉ mong rằng ngày nào cũng bán được nhiều như ngày Tết thì sẽ khai xuân muộn hơn" - bà Hoàng Thị Thái tâm sự.
Mong có thêm thu nhập
Chị Nguyễn Thị Hương, trú tại Hồng Minh, (Phú Xuyên, Hà Nội) kinh doanh dịch vụ tô tượng - tâm sự: "Tôi cũng chẳng muốn đi làm sớm những ngày đầu năm như này, nhưng những ngày này lại đông khách nhất. Covid-19 khiến nhiều lễ hội dừng tổ chức nên không đi làm được. Những ngày này, đông khách nên cố đi sớm mong kiếm thêm được vài đồng".
Nghề của chị Nguyễn Thị Hương, phụ thuộc chủ yếu vào những ngày lễ, Tết nên mặc dù mới bước sang những ngày đầu năm mới nhưng chị và chồng đã tích cực làm việc. Đi làm năm mới với hy vọng rằng năm nay dịch bệnh được khống chế để chị có thể đi làm nhiều hơn, có thêm thu nhập nuôi các con ăn học.
"Hai đứa con tôi gửi ông bà trông. Nhìn chúng Tết được nghỉ học mà không được bố mẹ đưa đi chơi cũng thấy tội, nên tối về tôi dành thời gian cho các con nhiều hơn" - chị Nguyễn Thị Hương tâm sự.
Cũng mong muốn có thêm thu nhập những ngày đầu năm mới, chị Trần Thị Hằng, trú tại Phượng Dực (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết: "Tôi đi bán đồ chơi cho trẻ con những ngày này, cũng đắt hàng hơn ngày thường, thôi thì cái nghề nên cũng đành chấp nhận".
7 năm qua, năm nào chị cũng cùng gia đình đình nghỉ chỉ ngày mồng 1 Tết để đi chúc Tết ông bà nội, ngoại và người thân trong gia đình.
"Đi làm mấy ngày Tết, thu nhập bằng cả tháng ngày thường ấy chứ. Năm nào cũng vậy, tôi sắm sửa từ rất sớm đề cuối năm và đầu năm mới đi bán hàng. Thu nhập cũng được vài trăm nghìn một ngày. Với nông dân chúng tôi, như thế là quý lắm" - chị Trần Thị Hằng chia sẻ.
Tâm sự với Phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Mến trú tại Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội) cho biết: "Hàng ngày tôi ở nhà chăn gà. Gà bán hết đợt trước Tết nhưng chưa nuôi đàn mới, những ngày rảnh rỗi tôi nhập bóng bay về bán. Từ sáng tới giờ cũng bán được 12 quả rồi".
Dự tính bán hết số bóng bay, bà có thể thu lời khoảng 300.000 đồng. Con cháu đều đã trở về thành phố để làm ăn. Với bà những lúc rảnh rỗi đi bán bóng bay không chỉ có thêm thu nhập mà có cả những niềm vui.
Thật khó có thể thống kê có bao nhiêu lao động làm việc trong dịp Tết như bà Mến bà Thái hay chị Hương , mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau nhưng học đều có chung mong muốn một năm mới thuận lợi và có thu nhập tốt hơn.