Bình Định:
Nhiều lao động e ngại đi nước ngoài làm việc vì... sợ khổ, lo nợ "ngập đầu"
(Dân trí) - Nhiều gia đình có con trong độ tuổi lao động nhưng ngại cho đi làm ăn xa, nhất là đi ra nước ngoài làm việc vì sợ con khổ, công việc không ổn định dẫn đến nợ vay ngân hàng không trả được.
Ngày 13/4, tại thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ), Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định phối hợp cùng UBND huyện tổ chức hội nghị về công tác việc làm, đào tạo nghề và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2023.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định Nguyễn Mỹ Quang cho hay, năm 2022, 704 lao động được xuất cảnh (trong đó, nữ là 313 người), đạt 100,6% so với kế hoạch, chủ yếu tham gia thị trường Nhật Bản 664 người, Đài Loan 26 người, Trung Quốc, Hungary mỗi nước 5 người, các nước Hàn Quốc, Nga, Singapore, Canada mỗi nước 1 người.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định hỗ trợ 128 người lao động vay vốn với tổng số tiền là gần 11 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương (tăng 9,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).
Tính từ đầu năm đến nay, theo báo cáo của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đã đưa 374 lao động xuất cảnh.
"Sang năm 2023, các đơn vị thống nhất đặt mục tiêu phấn đấu đưa 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, tích cực hỗ trợ người lao động mọi mặt, góp phần tăng tỉ lệ đưa lao động đi nước ngoài làm việc", ông Quang nói.
Ông Nguyễn Mỹ Quang cho rằng, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có tăng nhiều nhưng vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo và người dân tộc thiểu số tham gia vẫn còn ít. Khả năng cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực (cả về ngoại ngữ, tay nghề và thể chất) của Bình Định so với trong nước và các nước trong khu vực còn thấp.
Bên cạnh đó, nhận thức của một số lao động còn hạn chế, tự ý phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn còn diễn ra. Mặt khác, tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài qua các hình thức tự phát vẫn còn.
Trong khi đó, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định còn cho rằng, nhiều gia đình do khó khăn về tài chính, không có đóng phí ban đầu sau khi đạt phỏng vấn theo quy định của các công ty xuất khẩu lao động.
Nhiều địa phương có con, em trong độ tuổi lao động nhưng ngại cho đi làm ăn xa, nhất là đi xuất khẩu lao động vì sợ con khổ, công việc không ổn định dẫn đến nợ vay ngân hàng không trả được; tâm lý muốn đi nhanh để kiếm tiền, người lao động đi theo kênh tự do sẵn sàng bỏ thêm tiền để được bao đậu phỏng vấn, thời gian xuất cảnh nhanh.
Tại hội nghị, đại diện gần 10 công ty, doanh nghiệp trao đổi về nhu cầu việc làm thực tế của doanh nghiệp đối với từng ngành nghề và hướng dẫn các thủ tục đăng ký học nghề, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và đưa lao động đi nước ngoài làm việc.
Dịp này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã khen thưởng 23 cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2022.