1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Nhiều doanh nghiệp FDI mở rộng sản xuất giữa "bão" dịch Covid-19

Bình Minh

(Dân trí) - Mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, thế nhưng vượt qua nhiều khó khăn, 35 doanh nghiệp FDI tại Thanh Hóa không chỉ hoạt động ổn định mà còn mở rộng sản xuất.

Trong tình hình dịch Covid-19  phức tạp, đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, thế nhưng nhiều doanh nghiệp FDI tại Thanh Hóa không chỉ duy trì tốt việc làm cho gần 160 nghìn công nhân với mức thu nhập bình quân 6,3 đồng/người/tháng mà còn tiếp tục tuyển dụng lao động, mở rộng sản xuất.

Anh Vũ Ngọc Thắng, công nhân thuộc Công ty TNHH giầy Adiana Việt Nam (xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn) cho biết: "Dịp này, đơn hàng nhiều hơn, nên công nhân thường tăng ca thêm khoảng 1-1,5h/ngày. Thu nhập của người lao động cũng được cải thiện, góp phần ổn định cuộc sống".

Tại Công ty giầy Aleron Việt Nam (nằm trong khu công nghiệp Hoàng Long, thành phố Thanh Hóa) không những đảm bảo duy trì sản xuất mà đơn vị này còn tăng đơn hàng, nhu cầu mở rộng phân xưởng và tuyển lao động bổ sung.

Nhiều doanh nghiệp FDI mở rộng sản xuất giữa bão dịch Covid-19 - 1

Công ty TNHH giầy Sunjade Việt Nam là một trong những đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn.

Theo chị Vũ Thị Mai Loan, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH giầy Aleron Việt Nam, dù đây là lần thứ 4, dịch Covid-19 bùng phát nhưng công ty không phải gián đoạn công việc hay cắt giảm nguồn nhân lực.

"Nhờ thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống Covid-19 và chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực, nguyên liệu, nên dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty vẫn duy trì việc làm đều đặn cho người lao động", chị Vũ Thị Mai Loan cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH giầy Aleron Việt Nam, do nhiều tỉnh thành trong cả nước đang trong thời gian giãn cách mấy tháng nay, các công ty tạm thời ngừng hoạt động, nên tại Thanh Hóa có rất nhiều đơn hàng.

Báo cáo của công đoàn cơ sở cho thấy, toàn bộ 35 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa duy trì tốt việc làm cho công nhân lao động, thực hiện việc chi trả tiền lương, tiền ăn ca, tiền chuyên cần, phụ cấp xăng xe và các khoản tiền phụ cấp khác cho công nhân đúng kỳ.

Trong số 35 doanh nghiệp FDI thì có 34 công ty tăng ca từ 1-4h/ngày ở một số bộ phận, cụ thể: 17 công ty tăng ca từ 1-1,5h/ngày; 14 công ty tăng ca từ 2-3h/ngày; 3 công ty tăng từ 3,5-4h/ngày.

Ngoài ra, 28 công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động, trong đó có nhiều công ty tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty TNHH giầy Rollsport Việt Nam, Công ty TNHH giầy Annora Việt Nam, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, Công ty TNHH giầy Aleron Việt Nam…

Nhiều doanh nghiệp FDI mở rộng sản xuất giữa bão dịch Covid-19 - 2

Công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam trong ca sản xuất.

100% doanh nghiệp đã thực hiện việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH đúng kỳ và chi trả chế độ ốm đau, thai sản hàng tháng đầy đủ cho người lao động.

Tổng số công nhân lao động của 35 công ty được đóng BHXH, BHYT, BHTN là 148.958 người, đạt tỷ lệ 94%. Số còn lại là 10.168 người chiếm 6% chưa được tham gia BHXH là do mới vào doanh nghiệp.

Ông Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhờ nỗ lực vượt khó, trong 8 tháng của năm 2021, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh tăng 18,68% so với cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 7,79%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,19% so với cùng kỳ năm 2020. Đó chính là dấu hiệu cho thấy, sự phục hồi của nền kinh tế tỉnh Thanh Hóa rất khả quan…".