Nhiều chính sách về an sinh, tiền lương có hiệu lực từ tháng 3/2021
(Dân trí) - Áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025; danh mục các công việc, nghề được nghỉ hưu sớm; cách xếp lương viên chức trong cơ sở mầm non công lập, điều chỉnh hệ số lương của công chức thi hành án dân sự…
Đây là một số chính sách về tiền lương, an sinh có hiệu lực từ tháng 3/2021.
Áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025
Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, có hiệu lực từ 15/3/2021.
Cụ thể, Nghị định quy định: Từ ngày 1/1/2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2022-2025, khái niệm nghèo đa chiều sẽ được dựa theo các tiêu chí đo lường về thu nhập, mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Trong đó, tiêu chí thu nhập
Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.
Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản
Các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Nghị định 07/2021/NĐ-CP cũng quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025
Chuẩn hộ nghèo
Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Chuẩn hộ cận nghèo
Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Chuẩn hộ có mức sống trung bình
Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng.
Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Danh mục mới về nghề, công việc có thể nghỉ hưu sớm
Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH do Bộ LĐ-TB&XH ban hành, nhằm quy định danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/3/2021.
Trong đó, danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mới được ban hành kèm theo Thông tư 11/2020 gồm 1.838 nghề, công việc, như: Khai thác khoáng sản; cơ khí, luyện kim; hóa chất; vận tải; xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi; điện; sản xuất xi măng; da giày, dệt may…
Đây là căn cứ để xác định việc nghỉ hưu trước tuổi theo quy định hiện hành của người lao động trong điều kiện đã đóng đủ 20 năm BHXH, bị suy giảm khả năng lao động tới 61 % và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành, theo quy định của Khoản C, Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Điều chỉnh hệ số lương của công chức thi hành án dân sự
Thông tư số 08/2020/TT-BTP sửa đổi về chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự có hiệu lực từ ngày 1/3/2021.
Cụ thể, Khoản 20 Điều 1 Thông tư này đã bổ sung cách xếp lương với công chức chuyên ngành thi hành án dân sự tại Thông tư 03/2017/TT-BTP như sau:
Ngạch Chấp hành viên cao cấp, Thẩm tra viên cao cấp được áp dụng hệ số lương công chức loại A3, nhóm A3.1 từ 6,2 - 8,0 tương ứng mới mức lương dao động từ 9,238 - 11,92 triệu đồng/tháng.
Ngạch Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên chính được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1 từ 4,4 - 6,78 tương ứng với mức lương từ 6,556 - 10,102 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định: Ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A1 từ 2,34 - 4,98 tương ứng với mức lương từ 3,486 - 7,42 triệu đồng/tháng; Ngạch Thư ký trung cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại B từ 1,86 - 4,06 tương ứng với mức lương từ 2,77 - 6,05 triệu đồng/tháng…
Mã số, tiêu chuẩn chức danh và xếp lương trong cơ sở mầm non công lập
Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.
Về cách xếp lương, Thông tư nêu rõ: Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Cụ thể như sau:
Giáo viên mầm non hạng III, mã số V.07.02.26, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89;
Giáo viên mầm non hạng II, mã số V.07.02.25, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
Giáo viên mầm non hạng I, mã số V.07.02.24, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.
Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc chuyển xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.