Nhiều bất cập trong đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề y
Trong khi công tác đào tạo nhân lực ngành y tế vẫn còn nhiều bất cập, việc cấp chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn như hiện nay không chỉ làm cho các bác sĩ “lười” nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn dẫn đến việc các cơ sở y tế khó kiểm soát, cũng như tình trạng cho thuê mướn chứng chỉ hành nghề diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua.
Bằng đại học giả nhưng sau đại học là bằng thật
Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết trong thời gian gần đây đã xuất hiện bằng giả bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế. Thậm chí, có bác sĩ có bằng đại học giả nhưng bằng cấp sau đại học lại là bằng thật, làm mất lòng tin cho nhiều người.
Bên cạnh đó, hiện nay đầu vào trong định hướng chuyên khoa y khoa sau đại học chưa có sự thống nhất. Chẳng hạn như bằng đại học là y học cổ truyền nhưng bằng chuyên khoa sau đại học là chẩn đoán hình ảnh, gây khó khăn cho các đơn vị tuyển dụng.
Theo bác sĩ Võ Đức Chiến, để kiểm soát được tình trạng bằng giả, các đơn vị đào tạo về lĩnh vực sức khỏe cần phải xây dựng một cơ sở dữ liệu để các cơ sở y tế có thể rà soát được bằng cấp và lĩnh vực đào tạo của người lao động.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, hiện Việt Nam đang đào tạo bác sĩ tương đối “thoải mái”. Theo đó, y sĩ chỉ học 3 năm có thể ra làm bác sĩ khám chữa bệnh.
Với thời gian đào tạo rất ngắn thì không đủ trình độ và năng lực khám chữa bệnh. Chính vì vậy, Bộ y tế có chủ trương năm nay sẽ không đào tạo y sĩ, chỉ đào tạo bác sĩ y khoa, trên cơ sở đổi mới đào tạo y khoa.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, việc đa dạng hóa các mô hình đào tạo đã góp phần đáp ứng được số lượng bác sĩ trên vạn dân, đồng thời giúp cho các cơ sở y tế ở vùng sâu vùng xa giải quyết được tình trạng thiếu nhân lực.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây việc đào tạo nhân lực ngành y tế có nhiều bất cập và cần phải siết lại chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, việc đánh đồng bằng cấp giữa các cơ sở đào tạo đã tạo ra sự bất hợp lý và không đồng đều khi cấp chứng chỉ hành nghề.
Tiến sỹ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước có 181 cơ sở đào tạo y khoa với nhiều hình thức đào tạo như: chính quy tập trung, liên thông, đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển, hệ vừa học vừa làm và các chương trình liên kết đào tạo… phần nào đã đáp ứng nhu cầu của người học cũng như cung ứng nguồn nhân lực cho hệ thống y tế trên toàn quốc.
Nhìn nhận về công tác đào tạo, ông Nguyễn Ngô Quang cho hay, công tác đào tạo nhân lực y tế vẫn còn những bất cập như việc mở rộng quy mô đào tạo khiến khó kiểm soát chất lượng đào tạo. Hệ thống, khung trình độ, chương trình và phương pháp đào tạo nhân lực y tế chậm đổi mới, chưa tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế.
So với mặt bằng quốc tế, thời gian học, thực hành, chất lượng đầu ra vẫn thấp, không được công nhận tương đương; chất lượng đào tạo một số trường chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực hiện việc kiểm định chất lượng, tổ chức thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề.
Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo mới được ban hành, chưa được áp dụng để quản lý chất lượng đào tạo. Chưa gắn kết chặt chẽ đào tạo giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, giữa dự phòng và điều trị; còn ít chương trình đào tạo được tích hợp dự phòng với điều trị, y học hiện đại với y học cổ truyền.
Cần thay đổi quy định cấp chứng chỉ hành nghề
Luật khám chữa bệnh không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề. Việc này đã khiến cho công tác quản lý hành nghề khám chữa bệnh tại các địa phương gặp nhiều khó khăn và bất cập.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc không xác định thời hạn chứng chỉ hành nghề đã không tạo ra cơ chế để giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giám sát việc quản lý chất lượng người hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục và quá trình hành nghề của người hành nghề.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở y tế Bình Định cho hay, do tình trạng cấp chứng chỉ hành nghề không thời hạn nên nhiều người nằm liệt giường vẫn tiếp tục hành nghề (hành nghề ở đây là cho người khác đứng tên trên giấy tờ), từ đó gây khó khăn trong việc thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Còn đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng thông tin, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho một bác sĩ không có thời hạn xác định đã xảy ra tình trạng người được cấp chứng chỉ hành nghề không còn đủ khả năng, điều kiện để hành nghề đã cho thuê, mướn lại chứng chỉ hành nghề của mình. Thực tế, qua kiểm tra của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện có những trường hợp đã ra nước ngoài từ lâu, nhưng vẫn có tên đăng ký hành nghề y tại Việt Nam.
“Nên cấp chứng chỉ hành nghề y có thời hạn ít nhất 5 năm và có độ tuổi nhất định”, ông Lê Quang Hùng thẳng thắn đề xuất. Còn theo theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bác sĩ muốn hành nghề cần phải thi chứng chỉ, thậm chí cần tổ chức thi qua nhiều vòng để có sự sàng lọc, đảm bảo trình độ chuyên môn của bác sĩ. Luật khám chữa bệnh cần ban hành cho mọi người hành nghề trên đất nước Việt Nam. Các bác sĩ ở nước ngoài được phép vào Việt Nam hành nghề đều phải thi kiểm chứng năng lực như các bác sĩ Việt Nam.
Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, hiện nay ngoài Việt Nam chỉ còn một vài nước cấp chứng chỉ hành nghề không xác định thời hạn cho nhân viên y tế, khiến cho người hành nghề y không có ý thức nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi thực tế đòi hỏi bác sĩ phải luôn cập nhật các kỹ thuật mới, các tiến bộ của y học để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, quy định này cũng không phù hợp với pháp luật cũng như thông lệ quốc tế, gây khó khăn cho việc hội nhập của y tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt trong bối cảnh đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay như việc tham gia vào cộng đồng chung ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Châu Á Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) …
“Việc cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay mới chỉ được tiến hành trên giấy tờ mà không qua một kỳ sát hạch cụ thể nào. Điều này vô hình chung không thể đánh giá đúng năng lực thực chất của người hành nghề y”, ông Nguyễn Huy Quang cho biết thêm.
Theo ông Quang, cần có một kỳ thi do Hội đồng quốc gia trực tiếp sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ này có giá trị trên toàn quốc. Ngoài ra, luật cũng cần có quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với những người không hành nghề trong 2 năm liên tiếp hoặc không tham gia các chương trình đào tạo liên tục hay có sai sót chuyên môn nghiêm trọng.
Theo Đan Phương/Baotintuc.vn