1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhảy việc trước Tết và bi kịch tiền thưởng

Chỉ vì nhảy việc trước Tết mà nhiều người lao động mất hàng chục triệu đồng tiền thưởng vào dịp cuối năm.

Với nhiều người lao động, thưởng Tết là nguồn động lực để phấn đấu làm ăn trong năm. Số tiền ấy có thể giúp họ cải thiện cuộc sống, có một cái Tết vui vẻ bên gia đình. Tuy nhiên, không ít người lại rơi vào bi kịch thưởng Tết.

Chỉ vì nhảy việc trước Tết mà nhiều người lao động mất hàng chục triệu đồng tiền thưởng vào dịp cuối năm (Ảnh minh họa)
Chỉ vì nhảy việc trước Tết mà nhiều người lao động mất hàng chục triệu đồng tiền thưởng vào dịp cuối năm (Ảnh minh họa)

Mất thưởng Tết vì nhảy việc

Anh Vũ Tuấn Hoàng - nhân viên một cơ quan truyền thông trên đường Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, anh từng “mất” số tiền thưởng Tết và tiền phúc lợi lên đến 28 triệu đồng vì nhảy việc trước tết.

Hằng năm, cơ quan anh Hoàng thường thưởng Tết nhân viên tháng lương thứ mười ba (5 triệu đồng). Sau 5 năm làm việc, anh Hoàng chủ động xin chuyển công tác sang cơ quan khác trước Tết 2 tháng. Cuối năm đó, anh bất ngờ nhận được thông tin cơ quan cũ thưởng tết và chia phúc lợi cho mỗi nhân viên 28 triệu đồng.

“5 triệu thưởng Tết, 23 triệu tiền phúc lợi. Chỉ vì nghỉ việc trước tết hai tháng, tôi đã mất số tiền bằng nhiều tháng lương. Đây là điều hết sức vô lý”, anh Hoàng chia sẻ.

Vốn dĩ, trụ sở cơ quan cũ của anh Hoàng có hai tầng, tầng một cho đơn vị khác thuê mặt bằng làm cửa hàng buôn bán. Số tiền cho thuê mặt bằng này được đưa vào quỹ phúc lợi và chia thưởng một cục cho nhân viên của cơ quan sau 5 năm trong dịp Tết.

Vì anh Hoàng chuyển công tác, nên cơ quan này không chia số tiền thưởng phúc lợi trên cho anh. “Lẽ ra họ phải chia thưởng cho cả những người có đóng góp trong 5 năm như tôi. Nhưng họ đã lờ đi vì tôi chuyển công tác”, anh Hoàng nói.

Hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Văn Nhật - nhân viên văn phòng trên đường Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) cũng nhảy việc trước Tết hai tháng. “Thanh lý hợp đồng, cơ quan cũ cũng không trả cho tôi dù chỉ là một đồng tiền thưởng. Dù rằng tôi đã làm việc cho họ phần lớn thời gian trong năm”.

Anh Nhật có chút may mắn khi cơ quan mới vẫn trả cho anh 50% số tiền thưởng Tết vào năm đó.

Không nên “nhảy việc” trước Tết

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hồng Quang- Phó Trưởng ban chính sách-xã hội và thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay: Người lao động không nên nhảy việc trước Tết. Vì đây là thời điểm cơ quan, doanh nghiệp tổng kết doanh thu để đưa ra đãi ngộ đối với người lao động đã cống hiến trong năm.

“Sự cống hiến của người có thâm niên và lao động mới có sự chênh lệch nên mức đãi ngộ cũng sẽ khác nhau”, ông Quang phân tích. “Thưởng Tết là hình thức khuyến khích của cơ quan, doanh nghiệp đối với người lao động. Thưởng nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc doanh thu cuối năm.

Ông Quang cho hay, Tổng liên đoàn luôn khuyến cáo các cơ quan, doanh nghiệp nên thưởng Tết cho người lao động bằng tháng lương thứ mười ba. Tuy nhiên, việc thưởng Tết không nằm trong bất cứ điều luật nào nên không thể đòi hỏi phía người sử dụng lao động thưởng nhiều hay ít.

Thưởng Tết tùy thuộc vào thỏa ước lao động tập thể của cơ quan, doanh nghiệp đối với người lao động. Do vậy, theo ông Quang, nếu cơ quan, doanh nghiệp có lãi mà không thưởng Tết cho người lao động thì họ sai, công nhân có thể khiếu nại. Ngược lại, nếu doanh thu thấp hoặc không có thỏa ước lao động tập thể thì thưởng Tết hoàn toàn do phía cơ quan, doanh nghiệp tự cân đối, không ai có quyền can thiệp.

“Rõ ràng, người lao động phải cân nhắc thiệt hơn trước khi quyết định nhảy việc trước Tết”, ông Quang chốt lại.

Theo Danviet.vn