Nhân viên ngân hàng làm việc 110 giờ/tuần, nhập viện rồi... bị sa thải

Hằng Nguyễn

(Dân trí) - Làm việc đến nhập viện rồi bị sa thải, câu chuyện của một nhân viên ngân hàng ở Mỹ phơi bày thực trạng kiệt sức đang lan rộng của nhân lực trong ngành tài chính toàn cầu.

Phép đào thải ở phố Wall

Tháng 4/2025, một nhân viên trẻ của ngân hàng đầu tư Baird (Mỹ) đã phải nhập viện vì suy tụy sau nhiều tuần làm việc hơn 100 giờ mỗi tuần (khoảng 14 giờ mỗi ngày, cả 7 ngày trong tuần). Dù đã nhiều lần phản ánh với bộ phận nhân sự về nỗ lực đến vậy, anh vẫn bị sa thải vì "hiệu suất thấp" do phải nghỉ ốm, nằm viện. Vụ việc được đưa tin bởi The Daily Beast và New York Post, gây chấn động ngành tài chính Mỹ.

Theo Wall Street Journal, văn hóa làm việc tại Baird được mô tả là "xưởng mồ hôi". Một bài đăng ẩn danh trên diễn đàn Wall Street Oasis vào tháng 4/2025 đã thu hút sự chú ý của cộng đồng tài chính.

Người viết mô tả chi tiết môi trường làm việc đầy áp lực tại bộ phận ngân hàng đầu tư của Baird, trong đó nhân viên phải làm việc đến rạng sáng hôm sau (3-4h) và bị khiển trách khi nghỉ giải lao. Bài đăng nhanh chóng lan truyền, buộc ban lãnh đạo tổ chức họp toàn công ty. Một quản lý cấp trung bị sa thải với cáo buộc tạo ra môi trường làm việc độc hại.

Nhân viên ngân hàng làm việc 110 giờ/tuần, nhập viện rồi... bị sa thải  - 1

Vụ việc một nhân viên ngân hàng phải nhập viện sau nhiều tuần làm việc 110 giờ/tuần gây chấn động ngành tài chính Mỹ (Ảnh minh họa: Getty).

Tình trạng kiệt sức không chỉ xảy ra tại Baird. Theo khảo sát của Grant Thornton năm 2024, 51% nhân viên Mỹ cho biết họ đã trải qua kiệt sức trong năm qua, tăng 15 điểm phần trăm so với năm trước. Nguyên nhân chính là căng thẳng tinh thần và cảm xúc (63%) cùng với giờ làm việc kéo dài (54%). 

Một báo cáo của UpSlide năm 2024 cho thấy 86% nhân viên ngân hàng đầu tư từng phải nghỉ việc vì căng thẳng, với 33% cho biết họ đã nghỉ hơn 5 ngày do áp lực công việc. 

Trước áp lực dư luận và các vụ việc đáng tiếc, một số ngân hàng lớn đã bắt đầu áp dụng biện pháp hạn chế giờ làm việc. JPMorgan và Bank of America đã giới hạn giờ làm việc của nhân viên cấp dưới ở mức 80 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, theo Bloomberg, một số nhân viên thừa nhận đã khai báo số giờ làm ít hơn thực tế trong hệ thống theo dõi nội bộ, nhằm tránh bị cấp trên phát hiện họ đang làm việc quá sức - điều có thể dẫn đến việc bị xem là chưa làm việc đủ hiệu quả.

Xu hướng cắt giảm nhân sự, thêm áp lực

Ngành ngân hàng toàn cầu đang trải qua làn sóng tái cơ cấu mạnh mẽ. HSBC đang thực hiện chương trình cắt giảm chi phí trị giá 1,5 tỷ USD đến năm 2026, bao gồm việc loại bỏ hàng trăm vị trí cấp cao và yêu cầu nhiều quản lý tái ứng tuyển vào vị trí mới trong đơn vị ngân hàng doanh nghiệp và tổ chức. Riêng trong quý I/2025, ngân hàng này đã chi 100 triệu USD cho chi phí thôi việc và đóng cửa các bộ phận ngân hàng đầu tư tại Anh, châu Âu và Mỹ.

Nhân viên ngân hàng làm việc 110 giờ/tuần, nhập viện rồi... bị sa thải  - 2

HSBC đang thực hiện chương trình cắt giảm chi phí trị giá 1,5 tỷ USD đến năm 2026 (Ảnh: HSBC).

Citigroup đã công bố kế hoạch cắt giảm 20.000 việc làm, tương đương khoảng 10% lực lượng lao động toàn cầu, từ nay đến cuối năm 2026. Động thái này nằm trong chiến lược tái cấu trúc toàn diện của CEO Jane Fraser nhằm đơn giản hóa tổ chức và cải thiện hiệu quả hoạt động.

JPMorgan Chase cũng bắt đầu cắt giảm nhân sự trong năm 2025 như một phần của chiến lược tái cấu trúc kinh doanh, với đợt đầu tiên ảnh hưởng đến khoảng 1.000 nhân viên vào tháng 2. Các đợt cắt giảm tiếp theo dự kiến diễn ra vào các tháng 3, 5, 6, 8 và 9.

Tại Anh, Virgin Money đã cắt giảm khoảng 150 nhân viên và đóng cửa 39 chi nhánh trong năm 2024, với kế hoạch tiếp tục giảm thêm nhân sự và cơ sở vật chất.

Tại Việt Nam, các ngân hàng như BIDV, Sacombank, VIB, MSB,  LPBank và ACB đã cắt giảm hàng nghìn nhân viên trong năm 2024 và đầu năm 2025, nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả thông qua công nghệ. Điều này dẫn đến việc những nhân viên còn lại phải gánh thêm khối lượng công việc lớn, làm việc cả cuối tuần để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. 

Giấc mơ từ phòng gym đến tuần làm 4 ngày

Trước áp lực dư luận và làn sóng nghỉ việc âm thầm (quiet quitting), nhiều ngân hàng quốc tế đang nỗ lực định hình lại văn hóa làm việc vốn khét tiếng khắc nghiệt.

Theo Bloomberg, Deutsche Bank đã thử nghiệm tuần làm việc bốn ngày cho một số bộ phận để giảm căng thẳng và tăng hiệu suất. HSBC đã triển khai chương trình "mental health days" - cho phép nhân viên nghỉ phép không lý do một vài ngày mỗi quý để phục hồi sức khỏe tinh thần.

Citi Bank và UBS cũng đưa ra các sáng kiến về "flexible hours" (giờ làm linh hoạt), giúp nhân viên tránh phải có mặt từ sáng sớm đến khuya mà vẫn đảm bảo hiệu suất. Citi còn bổ nhiệm một Giám đốc Sức khỏe tinh thần (Chief Wellness Officer) để dẫn dắt các chính sách cải thiện phúc lợi nhân viên sau đại dịch, theo CNBC.

Nhân viên ngân hàng làm việc 110 giờ/tuần, nhập viện rồi... bị sa thải  - 3

Nhiều ngân hàng đang nỗ lực định hình lại văn hóa làm việc vốn khét tiếng khắc nghiệt (Ảnh: Reuters).

Một số ngân hàng tại Anh, như Lloyds Banking Group, đã tích cực triển khai chính sách hybrid - kết hợp làm việc tại nhà và văn phòng, đồng thời đầu tư vào huấn luyện quản lý để các cấp lãnh đạo nhận biết và ngăn chặn sớm các dấu hiệu kiệt sức ở cấp dưới.

Theo Financial Times, nhiều ngân hàng tại châu Âu còn xây dựng "wellness hub" - nền tảng nội bộ cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí, khóa học thiền, yoga và hỗ trợ quản lý thời gian. Mục tiêu là tạo ra môi trường làm việc bền vững trong bối cảnh cắt giảm chi phí và thiếu hụt nhân lực.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng nếu không đi kèm thay đổi hệ thống đánh giá hiệu suất và kỳ vọng từ lãnh đạo cấp cao, các sáng kiến này sẽ chỉ mang tính hình thức. Việc cải tổ sâu rộng đòi hỏi các ngân hàng nhìn nhận lại triết lý quản trị con người, chứ không chỉ dừng lại ở các chính sách "chữa cháy".