Nhắn tin đòi lương, nhân viên cũ bị mỉa mai: "4 triệu mà làm như to lắm"
(Dân trí) - Xin lại 4 triệu đồng tiền lương sau khi nghỉ việc, nam thanh niên bị nhân viên hành chính nhân sự dùng lời lẽ thiếu tôn trọng.
"Lêu lêu" người lao động khi bị đòi lương
Anh Mạnh Hoàng (24 tuổi, Hà Nội) vừa gặp trải nghiệm đáng nhớ với nữ nhân viên hành chính nhân sự (tiếng Anh gọi là Human Resources - viết tắt là HR) của công ty cũ. Theo lời anh Hoàng, nữ nhân viên này kém anh 2 tuổi, mới ra trường.
Theo đó, khi anh Hoàng nhắn tin cho HR để xin lại phần lương tháng trước khi nghỉ việc, HR đã dùng lời lẽ mỉa mai, cợt nhả, thiếu tôn trọng anh.
Trong đoạn tin nhắn mà anh Hoàng chia sẻ, HR tuổi GenZ thậm chí còn "chơi chữ" với người lao động: "Anh làm mình làm mẩy chứ anh có làm dự án đâu ạ".
Khi nhân viên cũ hỏi ngày nào có lương, HR trả lời "mùng 7 em chuyển nhé lêu lêu".
Tới ngày 7, anh Hoàng lại đòi lương, HR thản nhiên nói "Hôm nay là chủ nhật anh có làm việc không ạ?". Đến khi anh Hoàng ra yêu cầu ngày 10 phải trả lương cho anh, HR đáp: "Nếu quá mùng 10 thì anh tính làm gì em ư?"
Nữ HR còn mỉa mai anh Hoàng: "Khiếp 4 triệu anh làm như to lắm mà quỵt của anh".
Bức xúc trước thái độ của HR, anh Hoàng đưa sự việc lên mạng xã hội.
Chia sẻ với câu chuyện của anh Hoàng, chị Nguyễn Tuyết Mai (29 tuổi, Hà Nội) cho hay, nhiều HR trẻ không học cách giao tiếp, ứng xử chuẩn mực với người lao động. "Có lẽ, ở vị trí công việc thanh toán lương cho người lao động, họ đã lầm tưởng rằng mình đang ngồi trên đầu người khác", chị Mai nhận định.
Chị Mai cũng gặp tình huống tương tự với một HR sinh năm 1998 ở công ty cũ.
Sau 1 tháng thử việc ở công ty này, do cảm thấy không phù hợp, chị Mai từ chối ký hợp đồng chính thức. Chị viết mail xin nghỉ việc gửi cho HR và ban lãnh đạo công ty. HR đã trả lời mail của chị bằng câu mở đầu: "Chị bỏ việc nhanh như bỏ chồng ấy nhỉ?".
Ngỡ ngàng khi đọc email của HR, chị Mai hồi đáp, nhắc nhở HR nên giữ chừng mực vì đây là luồng mail chung, có cả giám đốc công ty.
Tuy nhiên HR không dừng lại mà còn viết một email khác dài hơn với nội dung: "Em nhớ khi phỏng vấn, sếp hỏi vì sao chị ly hôn sau 1 năm kết hôn, chị bảo vợ chồng chị không hợp nhau. Giờ chị nghỉ việc sau 1 tháng thử việc với lý do công việc ở đây không hợp với chị. Em khuyên chị chân thành, chị cần xem lại bản thân xem có hợp với thứ gì trên đời không?".
Chị Mai nói, chị đã rất "sốc" và giận dữ. Chị cố gắng kiềm chế nửa ngày không trả lời email đó, mong một dòng hồi đáp từ ban lãnh đạo công ty trong luồng mail. Nhưng tất cả đều im lặng, để mặc cho HR lôi chuyện cá nhân và nỗi đau riêng của chị ra xúc phạm.
"Giờ nghĩ lại, tôi thấy may mắn khi đã nghỉ việc ở công ty đó. Tôi vẫn bảo bạn bè rằng, hãy chỉ cho tôi biết HR của công ty bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết sếp của bạn như thế nào. Một HR tự do xúc phạm người lao động thì chắc chắn lãnh đạo công ty cũng không tôn trọng bạn", chị Mai nêu ý kiến.
HR là bộ mặt của công ty, cần được đào tạo bài bản
Bà C.T.N (45 tuổi, TPHCM) có nhiều năm làm hành chính nhân sự tại các công ty lớn. Bà N. khẳng định HR chính là bộ mặt của công ty.
"Các công ty càng lớn thì bộ phận HR càng quan trọng. Bởi người lao động ít có cơ hội tiếp xúc với ban lãnh đạo mà chủ yếu tiếp xúc với HR thông qua các hoạt động như ký hợp đồng, chấm công, trả lương, các chế độ chính sách với người lao động, các chương trình văn hóa nội bộ…
Chính vì thế, HR phải ý thức được rằng họ đang thay mặt cho ban lãnh đạo để giao tiếp với người lao động. Người lao động hài lòng, có cảm tình với HR thì cũng sẽ có cảm tình với ban lãnh đạo, với công ty và ngược lại.
Mặt khác, chính họ cũng là người lao động. Họ không phải lãnh đạo công ty và vị trí của họ là ngang bằng với những người lao động khác.
Tuy nhiên, ở nhiều đơn vị, ngay cả ban lãnh đạo công ty cũng không nhận thức được vai trò của HR với hình ảnh của công ty.
Họ không có các chương trình đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn lẫn giao tiếp ứng xử dành cho nhân viên phòng hành chính nhân sự. Họ không biết rằng văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ bộ phận này đầu tiên.
Khi HR thiếu chuyên nghiệp trong công việc, không có văn hóa ứng xử với người lao động, người ta sẽ đánh giá văn hóa của cả doanh nghiệp cũng như năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo công ty ", bà N. chia sẻ.
Cũng theo bà N, một trong những nhiệm vụ chủ chốt của HR là lên kế hoạch và triển khai các chiến lược phù hợp để nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên.
Nếu HR không có khả năng kết nối, khuyến khích, động viên, mà có những lời nói, hành vi, thái độ thiếu chuẩn mực, gây ức chế, người lao động sẽ không còn muốn cống hiến và gắn bó với nơi làm việc.
(*) Tên nhân vật đã thay đổi