Nhân lực chất lượng cao - Đòn bẩy của nền kinh tế Việt Nam
Phiên giao dịch việc làm tháng 8 vừa qua tại Hà Nội, có tới hơn 100 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hàng chục vị trí quản lý và nhân sự cao cấp.
Hơn 5.000 lao động đăng ký tuyển dụng trực tiếp nhưng con số tuyển dụng thành công là rất ít ỏi. Điều đó cho thấy việc tìm kiếm nguồn nhân sự cao cấp đã và vẫn đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tuyển dụng được những nhân lực trình độ cao, chủ yếu là những người đã từng làm việc, trưởng thành và thành công ở các công ty nước ngoài.
Ý thức về thương hiệu Việt và cơ hội thể hiện năng lực quản lý
Đó chính là lí do chủ yếu khiến các nhân sự trình độ cao quyết định từ bỏ môi trường làm việc chuyên nghiệp và mức lương hấp dẫn ở các công ty nước ngoài để về đầu quân cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngô Thành Đạt, trước khi về đầu quân và tiếp nhận vị trí trưởng phòng Marketing của Công ty cổ phần Điện tử PICO đã có 6 năm làm việc cho các hãng điện tử nước ngoài. Điều thu hút anh về PICO không phải là mức lương, mà chính là cơ hội được thể hiện bản thân tại doanh nghiệp trong nước với những kỹ năng và kinh nghiệm làm việc được tích luỹ trong thời gian làm việc tại Sony và Samsung. Ý thức và mong muốn xây dựng một thương hiệu thuần Việt nổi tiếng và mang nét đặc trưng tinh tế của người Hà Nội đã thúc đẩy Ngô Thành Đạt rời bỏ công việc lương cao ở doanh nghiệp nước ngoài.
Trở thành trưởng phòng Marketing của PICO với hệ thống siêu thị siêu thị điện máy phát triển mạnh, Ngô Thành Đạt đang cố gắng "để một lúc nào đấy mình có thể tự hào rằng Việt Nam cũng có một chuỗi siêu thị bán lẻ tốt không kém gì những nước phát triển như Nhật hay Hàn Quốc".
Anh Ngô Thành Đạt - một nhân sự cao cấp của PICO
Cũng giống như Ngô Thành Đạt, Hoài Anh sau 3 năm làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương cao và ổn định đã chuyển sang làm việc cho Tạp chí Marketing Việt Nam. Mặc dù mức lương thấp hơn, nhưng bù lại vị trí quản lý mới - Giám đốc kinh doanh, khiến cho Hoài Anh được chủ động hơn trong công việc cũng như có nhiều cơ hội để sáng tạo và ứng dụng những ý tưởng mới vào thực tế.
Sự khởi sắc của thị trường nhân lực chất lượng cao còn thể hiện ở sự thu hút thành công nhân sự cao cấp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sân chơi đã mở rộng và cơ hội tuyển dụng không còn giới hạn cho các công ty lớn và doanh nghiệp nước ngoài.
PROSCO - Công ty Tư vấn và Truyền thông chuyên nghiệp chỉ với 13 lao động nhưng đã thành công trong cuộc chiến thu hút nhân tài này. Vị trí Trưởng phòng Dự án được giao cho Võ Quỳnh Chi chính là bước đột phá trong sự phát triển của công ty này. Với một bằng ĐH Marketing, một bằng thạc sỹ chuyên ngành Quảng cáo tại Úc và kinh nghiệm 3 năm làm việc cho một doanh nghiệp thực phẩm lớn trong vị trí Marketing cao cấp đã giúp Chi xây dựng cho mình một vốn kiến thức thực tế về việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Với suy nghĩ một nhà tiếp thị phải luôn tự làm mới kiến thức của mình để từ đó mọi ý tưởng luôn mới mẻ, Võ Quỳnh Chi xem việc đầu quân cho PROSCO là cơ hội để mở rộng kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tín hiệu thể hiện sự phát triển của các doanh nghiệp nội
Gia nhập WTO mở ra cơ hội hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt ngay trên "sân nhà". Hàng hoá trên thị trường ngày càng giống nhau, nhân lực trở thành yếu tố quyết định thành bại, do đó việc "săn đầu người" đã dần thành chiến lược phát triển của nhiều doanh nghiệp Việt. Xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao từ các doanh nghiệp nước ngoài về doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua là kết quả tất yếu của sự phát triển và cạnh tranh kinh tế đó. Chủ trương thu hút nhân tài của công ty PICO hay PROSCO cũng chính là thể hiện chiến lược phát triển phù hợp với sự thay đổi của thị trường. Ông Phạm Hoài Sơn, Chủ tịch HĐQT PICO cho biết, "công ty đặc biệt quan tâm và chú trọng việc đầu tư vào nguồn nhân lực trình độ cao", nhằm có được những bước chuyển mình và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, mặc dù tình trạng thiếu nhân lực cao cấp đang là phổ biến ở tất cả các ngành và các doanh nghiệp, cũng như chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp nội đã được nâng cao rất nhiều, nhưng việc tuyển dụng thành công nhân lực chất lượng cao vẫn là điều rất khó khăn. Những lợi ích mà doanh nghiệp trong nước đưa ra chưa đủ hấp dẫn các ứng viên chọn làm điểm dừng trong hành trình tìm việc của mình. Hơn nữa các ứng viên luôn có suy nghĩ rằng kinh nghiệm và quá trình làm việc tại các công ty nước ngoài là bàn đạp vững chắc cho bước tiến thân trong nghề nghiệp tương lai.
Xem xét kỹ, lương cao và chế độ phúc lợi tốt mới chỉ là tiêu chí để nhân lực chất lượng cao hướng đến. Muốn thu hút cũng như giữ chân họ, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải khắc phục những điểm yếu lớn, đó là yếu tố cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc. Nếu yếu tố này không được đặt ra rõ ràng sẽ hạn chế hiệu quả của việc thu hút năng lực trình độ cao của các doanh nghiệp Việt Nam. Khắc phục được những hạn chế này và phát triển những yếu tố thu hút chính là lời giải cho bài toán khan hiếm nhân lực cao cấp đã tồn tại nhiều năm trên thị trường lao động Việt Nam.