Nhân lực bậc trung: Cung - cầu đều cao nhưng sao chưa gặp nhau?

(Dân trí) - Khảo sát của Bản tin thị trường lao động VN được Bộ LĐ-TB&XH công bố giữa tháng 3 cho thấy một nghịch lý: Tỉ lệ cung - cầu của nhóm lao động chuyên môn bậc trung đều cao, nhưng tại sao chưa gặp được nhau?


Chất lượng là lời giải cho bài toán khớp nối cung - cầu nhân lực bậc trung. Ảnh: H.M

Chất lượng là lời giải cho bài toán khớp nối cung - cầu nhân lực bậc trung. Ảnh: H.M

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH), thành viên Ban nghiên cứu Bản tin: “Khảo sát số liệu của hơn 60 trung tâm dịch vụ việc làm thuộc hệ thống LĐ-TB&XH trong Quý 4/2015 cho thấy, thị trường lao động cần nhiều lao động bậc trung như nhân viên kinh doanh, bán hàng (8.850 người); kỹ thuật điện, điện tử (8.670 người), cơ khí chế tạo máy (2.220 người)…”.

So với quý 3/2015, nhu cầu tuyển dụng của thị trường với nhóm lao động trên cũng tăng: Nhân viên kinh doanh, bán hàng (tăng 2.130 người); kỹ thuật điện, điện tử (tăng 4.700 người).

Phân tích ở góc độ nhóm lao động, kết quả của Bản tin lại cho thấy, nhóm lao động trình độ bậc trung đi tìm việc nhiều nhất với hơn 30 %, tăng 1.600 người so với quý 3 /2015.

Nhân lực bậc trung: Cung - cầu đều cao nhưng sao chưa gặp nhau? - 2

Như vậy, thực tế chỉ ra một nghịch lý. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương: Thị trường lao động cần tuyển nhóm lao động trung cấp nhiều nhất. Nhưng tỉ lệ người tìm việc ở nhóm trung cấp cũng là nhiều nhất!

Vậy tại sao họ không gặp nhau? Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, những số liệu chỉ phản ánh ở tầm vĩ mô. Câu trả lời chính xác dành cho các nhà quản lý và hệ thống kết nối cung - cầu trên thị trường lao động.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc không gặp nhau ở cung - cầu của nhóm lao động bậc trung trong Quý 4/2015 có thể còn do chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. "Mặt khác, tâm lý chọn việc của nhóm lao động trên cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng thành công. Bởi không ít người có kỳ vọng chọn những công việc có lương và vị trí cao hơn khả năng của mình. Dẫn tới khả năng thành công chưa cao" -một chuyên gia thị trường lao động việc làm nhận xét.

Cũng theo khảo sát về nhóm nghề, công việc "quản trị nhân sự" có số lượt người tìm nhiều nhất (24.200 người, chiếm 10,8%), tiếp sau là "kế toán" (với 10,1%). Về mức lương, khoảng 51 % người tìm việc sẵn sàng chấp nhận có lương theo thỏa thuận, khoảng 21 % có nhu cầu mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Về thu nhập của người lao động, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, năm 2016, tăng trưởng kinh tế phục hồi sẽ tác động tích cực tới thị trường lao động. Trong vòng 12 tháng tới, cung lao động ước đạt 55,3 triệu người, chiếm 77,8% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên.

“Dự báo, lực lượng lao động có việc làm ước đạt 54,1 triệu người và sẽ tăng ở một số ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông. Năm 2016 tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động sẽ giữ mức thấp, còn 2,2%” - bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương tăng 305.000 đồng so với cùng kỳ năm 2014 (nam tăng 354.000 đồng, nữ tăng 247.000 đồng, khu vực thành thị tăng 338.000 đồng và của khu vực nông thôn tăng 265.000 đồng).

Tính theo hình thức sở hữu, lao động làm việc trong các khu vực DN nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân tháng cao nhất (5,5 triệu đồng), tuy nhiên giảm so với quý III/2015; khu vực tập thể có mức thu nhập thấp nhất (3,49 triệu đồng).

Phân tích của Bản tin thị trường lao động việc làm quý 4/2015 cho thấy, nhóm doanh nghiệp TNHH và cổ phần có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất với khoảng 160.000 người (chiếm 79,9%). “Điều này cũng dễ hiểu bởi nhóm doanh nghiệp nhà nước đang trong thời kỳ được tái cơ cấu theo hướng rút gọn lại” - bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.

Tin liên quan:

Phiên GDVL Đà Nẵng: Gần 290 ứng viên qua vòng sơ tuyển

Theo TT DVVL Đà Nẵng (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng), Phiên Giao dịch việc làm ngày 1/3 thu hút hơn 1.700 ứng viên. Kết quả ban đầu có gần 290 ứng viên vượt qua vòng sơ tuyển.

Nhân lực bậc trung: Cung - cầu đều cao nhưng sao chưa gặp nhau? - 3

Phiên GDVL được tổ chức tại Sàn giao dịch việc làm số 2, số 9 đường Cách Mạng Tháng Tám, TP Đà Nẵng. Phiên giao dịch thu hút 120 doanh nghiệp (73 đơn vị phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch) đăng ký tuyển dụng 1.775 lao động (652 nữ). Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề 1123 người, lao động phổ thông 652 người.

Kết quả ban đầu cho thấy: Ban tổ chức đã chắp nối, giới thiệu cho 354 lao động (137 lao động nữ). Trong đó, lao động có tay nghề 267 người, lao động phổ thông 67 người. Sau vòng sơ tuyển, các doanh nghiệp đã thông báo 289 lao động được chắp nối, giới thiệu thành công (127 nữ). Trong đó, lao động có tay nghề 202 người, lao động phổ thông 87 người.

Các công việc thu hút đông lao động như công nhân may, lắp ráp điện tử và thiết bị điện, sản xuất giày dép. Ngoài ra, một số lượng lớn lao động có trình độ phổ thông cũng được nhiều doanh nghiệp tìm kiếm. Được biết, mức lương khởi điểm của lao động qua đào tạo từ 4-6 triệu đồng/tháng.

T.Đ

Bộ Tài chính đề xuất mức thu phí giới thiệu việc làm mới

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giới thiệu việc làm. Theo đó, đề xuất TT DVVL không thu phí giới thiệu việc làm đối với người lao động.

Nhân lực bậc trung: Cung - cầu đều cao nhưng sao chưa gặp nhau? - 4

Theo dự thảo, Trung tâm DVVL thu phí tư vấn cho người sử dụng lao động không quá 20.000 đồng; phí giới thiệu việc làm cho người sử dụng lao động không quá 20% tiền lương 1 tháng lương đầu ghi trong hợp đồng lao động; phí cung ứng lao động và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động cho người sử dụng lao động không quá 30% tiền lương 1 tháng lương đầu ghi trong hợp đồng lao động.

Dự thảo cũng quy định, doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm thu phí đối với người lao động với mức phí được đề xuất như sau: Phí tư vấn không quá 10.000 đồng; phí giới thiệu việc làm không quá 200.000 đồng; phí cung ứng lao động và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động không quá 20% tiền lương 1 tháng lương đầu ghi trong hợp đồng lao động.

Tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa phương, tổ chức giới thiệu việc làm quy định mức thu cụ thể đối với từng đối tượng nộp phí cho phù hợp với trình độ của người lao động (lao động phổ thông, lao động có nghề, lao động có trình độ cao đẳng, lao động có trình độ trung cấp, lao động có trình độ đại học...).

T.H

Hoàng Mạnh