Nhân giống loại cây mọc tự nhiên trồng một lần, thu tiền hàng chục năm

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Loại cây mọc tự nhiên nơi sườn núi, từng bị xem là vô danh, giờ trở thành "của để dành" giúp nhiều gia đình ở Nghệ An có thu nhập ổn định, nuôi con ăn học và thoát nghèo bền vững.

Cây mét, loại cây bản địa mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Tây Nghệ An hiện là "cây thoát nghèo" của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tương Dương.

Từ loại cây mọc hoang, mét giờ đây được quy hoạch, trồng tập trung theo mô hình sinh kế bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu.

Nhân giống loại cây mọc tự nhiên trồng một lần, thu tiền hàng chục năm - 1

Dự án phát triển cây mét theo chuỗi giá trị được triển khai tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Ảnh: Nguyễn Phê).

Năm 2022, dự án phát triển cây mét theo chuỗi giá trị được triển khai tại các xã vùng đệm như Tam Thái, Tam Quang, Tam Hợp, Tam Đình và thị trấn Thạch Giám (huyện Tương Dương). Loại cây này sinh trưởng khỏe, dễ trồng, không tốn công chăm sóc, có thể khai thác nhiều giá trị từ khi còn non đến lúc trưởng thành.

Từ khi mới mọc, chồi mét đã có thể thu hái làm măng, loại thực phẩm rất được thị trường ưa chuộng. Khi thân cây phát triển, người dân có thể bán làm nguyên liệu sản xuất giấy, đồ thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, thậm chí trang trí các công trình dân sinh.

Đặc biệt, rừng mét còn góp phần phòng, chống xói mòn, sạt lở đất, hạn chế tác động tiêu cực từ mưa lũ.

Nhân giống loại cây mọc tự nhiên trồng một lần, thu hoạch hàng chục năm (Video: Nguyễn Phê).

Tại xã Tam Quang, cây mét đang dần phủ xanh các bãi đất trống, đồi núi trọc. Chỉ riêng bản Tam Liên có 110 hộ tham gia trồng mét với tổng diện tích hơn 400ha.

Mỗi mùa thu hoạch, các tuyến đường liên bản lại tấp nập xe tải của thương lái đến tận nơi thu mua.

Mét hiện được bán với giá 18.000-26.000 đồng/cây tùy kích thước và độ già. Người dân chỉ cần chặt cây, tập kết ven đường là có người đến thu mua, không phải lo đầu ra.

Ông Vi Văn Minh, Bí thư Chi bộ bản Tam Liên, cho biết người dân rất phấn khởi khi tham gia mô hình trồng mét. Cây lớn nhanh, bán được giá, không mất nhiều công chăm bón. Nhiều gia đình xem cây mét như khoản tiết kiệm dài hạn, lúc cần tiền là có thể "rút vốn từ rừng".

Gia đình bà Lương Thị Đoàn là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn trồng mét theo chuỗi. Hiện nay, mỗi năm bà thu hoạch cả ngàn cây, mang về thu nhập hàng chục triệu đồng. Vào mùa măng, rừng mét của bà lại cho nguồn thu đều đặn.

"Nhà tôi có con đang học đại học. Khi đóng học phí, tôi chỉ cần chặt vài trăm cây đem bán là có đủ tiền cho con. Mỗi khi khó khăn, người dân trong bản lại lên rừng... "rút vốn". Cây mét với chúng tôi thực sự là cây thoát nghèo", bà Đoàn chia sẻ.

Nhân giống loại cây mọc tự nhiên trồng một lần, thu tiền hàng chục năm - 2

Người dân bản Tam Liên, xã Tam Quang vui mừng vì cây mét cho thu nhập hiệu quả (Ảnh: Nguyễn Phê).

Tương tự, chị Lương Thị Nhung (56 tuổi) chia sẻ: "Nhờ trồng cây mét mà gia đình tôi dần có của ăn của để, kinh tế khá, cuộc sống ấm no hơn. Quan trọng nhất là các con được học hành đến nơi đến chốn, không phải bỏ dở giữa chừng như trước đây".

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, cây mét còn giúp định hình lại sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao.

Theo bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, đây là mô hình vừa đảm bảo thu nhập ổn định, vừa bảo vệ môi trường. Địa phương đang khuyến khích nhân rộng diện tích, hướng đến phát triển rừng bền vững, gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng.

Nhân giống loại cây mọc tự nhiên trồng một lần, thu tiền hàng chục năm - 3

Cây mét được người dân chặt về bán cho thương lái (Ảnh: Nguyễn Phê).

"Cây mét là loại cây trồng một lần, có thể thu hoạch cả đời. Loại cây bản địa không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn tạo cảnh quan xanh mát, bền vững", bà Hiền nhấn mạnh.

Tại các huyện miền Tây Nghệ An như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, những cánh rừng mét đang dần phủ xanh các sườn đồi, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.

"Của để dành" nơi các bản làng nay đã trở thành tài sản thực sự, mang lại cuộc sống đủ đầy và hy vọng về tương lai tươi sáng hơn cho con em người dân địa phương.