Gia Lai:

Nhà vườn dè dặt trồng cúc, nơm nớp lo dịch khiến nguy cơ mất Tết

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Những ngày cuối đông, người dân trồng hoa cúc ở TP Pleiku (Gia Lai) đang tất bật chuẩn bị cho vụ Tết. Do lo ngại dịch Covid-19, nhiều nhà vườn đã giảm sản lượng hoa so với mọi năm.

Sợ dịch, nhà vườn giảm lượng hoa

Từ trước Tết khoảng 6 tháng, những hộ gia đình làm nghề trồng hoa cúc trên địa bàn phường Thắng Lợi (TP Pleiku, Gia Lai) đã xuống giống. Hiện nay, những vườn cúc phát triển mạnh và đang vào giai đoạn sắp ra nụ.

Đang phun thuốc phòng bệnh cho những chậu cúc, chị Trần Thị Định (tổ 4, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai) bộc bạch: "Việc trồng hoa cúc pha lê rất cầu kỳ. Từ việc đúc chậu hoa, xuống giống, chặt cọc tre,… đều tốn rất nhiều thời gian. Gia đình tôi trồng hoa vào tháng 8 hàng năm, khi trồng xong là bắt đầu công đoạn chăm sóc đến hết năm".

Do dịch bệnh nên vụ trước, chị Định bị thương lái ép giá từ 250.000 đồng xuống còn 200.000 đồng/chậu. Chính vì vậy, trong năm nay chị Định đã xuống trồng khoảng 500 chậu hoa cúc pha lê, giảm hơn 100 chậu so với vụ năm ngoái.

Nhà vườn dè dặt trồng cúc, nơm nớp lo dịch khiến nguy cơ mất Tết - 1

Do dịch Covid-19, nhiều nhà vườn đã chủ động giảm lượng hoa xuống mức vừa đủ để cung cấp cho thị trường Tết.

Công việc hàng ngày của chị là từ 7h sáng đến tối muộn, cần mẫn cắt tỉa, bón phân, phun thuốc và theo dõi hoa… để kịp thời điều chỉnh và chữa trị khi hoa mắc bệnh.

Có hơn 15 năm trong nghề trồng hoa cúc, chị Định cho rằng, làm nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chỉ cần hoa nở sớm hoặc nở muộn là coi như mất Tết, công sức cả năm trời đổ sông đổ bể.

"Không ít năm, chúng tôi gần mất trắng, do thời tiết đợt cuối năm nắng nóng, hoa nở rộ trước Tết gần tháng, không bán được. Như năm ngoái, một số hộ trồng hoa cúc cũng khó khăn khi mà giáp Tết trời trở lạnh giá, hoa không nở kịp", chị Định chia sẻ.

Nhà vườn dè dặt trồng cúc, nơm nớp lo dịch khiến nguy cơ mất Tết - 2

Bà Trần Thị Định đang phun thuốc phòng bệnh cho những chậu hoa cúc pha lê để chống sâu bệnh phá hoại.

Chị Định cũng cho biết thêm, để khắc phục hạn chế lớn nhất là thời tiết, hiện nay có nhiều cách như trời lạnh thì thắp bóng đèn, nếu trời nắng quá thì phải giữ đất ẩm, che nắng và giảm lượng phân bón để hạn chế hoa phát triển nở bông sớm.

Còn ông Hoàng Văn Yến (tổ 8, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai), người đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng cúc bán màu Tết, cho biết: "Mỗi năm, gia đình tôi trồng hơn 1.700 chậu hoa cúc pha lê. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên năm nay tôi cắt giảm bớt số lượng còn 1.500 chậu. Ngoài ra, cũng do dịch bệnh nên khiến thị trường hoa năm nay khó dự báo về giá cả".

Ông Yến cũng cho hay: "Hiện nay TP Pleiku đang bùng phát dịch ở nhiều vùng, nhiều chợ. Tôi chỉ lo dịch còn diễn biến phức tạp thì hàng trăm chậu hoa cũng không bán được hoặc hoa không ra được chợ thì càng khó khăn cho việc buôn bán".

Nhà vườn tất bật vào vụ cúc Tết

Lấy công làm lãi

Vất vả là thế nhưng nghề trồng hoa cúc đem lại thu nhập khá cho gia đình ông Yến và nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn phường Thắng Lợi (TP Pleiku, Gia Lai).

Theo ông Yến, vốn đầu tư để trồng hoa cúc không nhiều, chủ yếu lấy công làm lãi. Các khâu chuẩn bị trồng đều được gia đình ông tự làm như tự đúc chậu hoa, tre chặt ở rừng, nhân công chăm sóc thì có ông và gia đình.

Chính vì thế, mỗi năm vườn hoa của gia đình ông đều thu về được hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ hết các chi phí chăm sóc.

Nhà vườn dè dặt trồng cúc, nơm nớp lo dịch khiến nguy cơ mất Tết - 3

Năm nay thị trường hoa cúc khó dự báo vì do dịch Covid-19 nên nhiều chủ vườn khá thận trọng với nghề trồng hoa cúc của mình.

Tất bật cắm cọc tre cho những chậu hoa chuẩn bị vụ Tết Nhâm Dần, bà Tô Thị Hương (tổ 3, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai) cho biết: "Mỗi chậu hoa cúc pha lê như này phải mất 4-5 tháng trồng và chăm sóc. Vào dịp Tết tôi xuất bán tại vườn với giá khoảng 220.000 đồng - 250.000 đồng/chậu".

Đối với vườn hoa của bà Hương, bà tuyệt đối không thuê nhân công, từ khâu chuẩn bị tới khâu chăm sóc đều một tay bà và chồng làm. Theo bà Hương, năm nay, thuốc phun, phân bón đều tăng một cách chóng mặt nên bà đã chủ động tự làm mà không thuê nhân công.

Nhà vườn dè dặt trồng cúc, nơm nớp lo dịch khiến nguy cơ mất Tết - 4

Cắm cọc tre cũng là một nghệ thuật, nên muốn hoa đẹp, đều tự tay bà Hương tự làm.

"Cắm cọc tre vào chậu là công đoạn mất thời gian nhất. Tuy nhiên, do phân bón và thuốc trừ sâu đều tăng giá nên tôi phải tự mình làm hết để lấy công làm lời. Mỗi chậu sẽ cắm khoảng 60-70 cọc, các chậu lớn lên đến hơn 100 cọc tre. Tuy cực nhọc, nhưng giảm bớt được chi phí thuê người làm và tự mình làm sẽ đảm bảo chất lượng hơn", bà Hương chia sẻ.

Theo bà Hương, việc lắp các đèn thắp sáng trong vườn hoa rất quan trọng, vườn bà lắp hơn 20 cái. Việc này giúp kìm lại sự phát triển của hoa, để hoa không nở bông sớm. Mỗi ngày, điện được bật vào lúc 9h tối đến 3h sáng hôm sau.

Được biết, với 800 chậu hoa cúc, trừ chi phí mỗi năm bà Hương thu về hơn 80 triệu đồng. Năm nay, vườn nhà bà Hương đã được nhiều thương lái đặt cọc một nửa số lượng chậu hoa cúc trong dịp tết năm 2022. Thị trường tiêu thụ hoa của bà chủ yếu ở trong tỉnh Gia Lai.

"Năm nay tuy dịch bệnh, nhưng tôi hy vọng sẽ bán đắt hàng. Ngoài ra, thời tiết năm nay khá tốt nên chi phí để kích thích cho hoa nở cũng ít tốn kém hơn", bà Hương cho biết thêm.

Nhà vườn dè dặt trồng cúc, nơm nớp lo dịch khiến nguy cơ mất Tết - 5

Nhiều chủ vườn hoa cúc ở phường Thắng Lợi hy vọng dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi để hoa cúc có thị trường tiêu thụ ổn định, phục vụ nhu cầu của người dân vui xuân, đón Tết.

Còn hơn một tháng là Tết Nguyên đán 2022, nhiều người trồng hoa cúc đang túc trực mỗi ngày ở vườn để chăm sóc, hoàn thành các công đoạn cuối. Hầu hết các chủ vườn hoa cúc ở phường Thắng Lợi (TP Pleiku, Gia Lai) hy vọng thời tiết sắp tới sẽ thuận lợi. Đặc biệt, mong cơ quan chức năng có thể khống chế dịch Covid-19 sớm để hoa cúc có thị trường tiêu thụ ổn định, phục vụ nhu cầu của người dân vui xuân, đón Tết.