Bình Định:
Những vườn cúc Tết “thảm hại” sau 5 trận lũ liên tiếp
(Dân trí) - Đã cận Tết Nguyên đán nhưng nhiều vườn cúc ở thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) không có dấu hiệu bung nụ. Trong khi có những người trồng cúc cố “thúc” để hoa nở đúng hẹn thì nhiều chủ vườn bỏ lơ không buồn chăm sóc.
Sau lũ, nhiều vườn cúc ở làng cúc cúc Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) rơi vào cảnh tiêu điều, xơ xác. Một số chủ vườn lâm vào cảnh trắng tay, một số chủ vườn thì gắng gượng “thúc” hoa nở kịp Tết nhằm vớt vát lại chút tiền vốn, công sức bỏ ra chăm sóc. Trong khí đó, có nhà vườn thì bỏ mặc không buồn chăm sóc để những chậu cúc héo rũ.
Lầm lũi giữa vườn cúc trên 200 chậu xơ xác sau lũ càn quét, bà Phạm Thị Ngọc (62 tuổi, ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) thẫn thờ bởi cúc chết xem như mất Tết. Bà Ngọc than thở: “Hơn 200 chậu cúc, công chăm sóc mấy tháng trời trôi sông hết. Thông thường, lũ chỉ ngập 1 ngày nước sẽ rút, nhưng năm nay chịu 4-5 đợt lũ liên tiếp. Nặng nhất là đợt lũ thứ 5, nước lũ lớn, nước ngập sâu, cây cúc bị ngâm nước dài ngày nên bị chết hơn một nửa số chậu. Bà con ở đây, 3 ngày Tết trông cả vào cúc. Giờ đây, cúc chết lấy gì lo Tết, lấy gì để trả nợ tiền mua giống, mua thuốc, phân để chăm cúc những tháng qua”.
Bà Ngọc ngậm ngùi nói thêm: “Năm này, làng cúc Bình Lâm mất Tết, chỉ một số ít hộ có nền đất cao ít bị ngập nước, cây cúc đẹp nên đã có thương lái về đặt tiền cọc. Còn vườn cúc của gia đình tôi và nhiều hộ bị “chê”. Vợ chồng đang cố gắng chăm sóc để bán bông cắm bình, vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Nhưng e cúc cũng không kịp nở đúng Tết”.
Ngay vườn kế bên, bà Trần Thị Minh (50 tuổi, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa) với 300 chậu cúc nhưng có đến 200 chậu bị héo rũ chết vì ngâm trong nước lũ gần cả tháng trời. Hiện còn 100 chậu nhưng trong tình trạng “ngậm” nụ, không có dấu hiệu nở đúng dịp Tết.
“Thời điểm này năm ngoái bông cúc đã chúm chím vàng đều nhưng đến thời điểm này, cúc “ngậm” nụ không chịu nở. Tui trông cho cúc nở kịp Tết bán bông bình gỡ gạc lại tiền giống còn khó, chứ nói gì đến tiền công và lời lãi”, bà Minh nói.
Chua xót hơn, vườn cúc của anh Văn Tấn Hưng (34 tuổi, ở đội 4, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) có 250 chậu. Lúc lũ tràn vào, anh cùng họ hàng khiêng được 100 cây chạy lên khu đất cao. Số còn lại, anh đành phó mặc cho ông trời định đoạt. Lũ rút, nhìn vườn cúc xác xơ, biết không thể “cứu”, anh Hưng cũng đành bỏ mặc chẳng buồn chăm sóc.
“Cúc tôi trồng là giống cúc pha lê, bộ rễ cây yếu hơn cúc đại đóa nên gặp nước là hư, héo hết. Một nửa vườn đang trong tình trạng héo, rũ. Nhìn vườn cúc, tôi thấy ngán ngẩm. Biết là lỗ nhưng có cố gắng cũng không thể cứu vãn nên đành bỏ mặc. Chỉ còn 100 chậu, vợ chồng cố gắng chăm sóc vớt vát lấy tiền giống, công sức bỏ ra thành công cốc” - anh Hưng tâm sự.
Vườn cúc 250 chậu của gia đình anh Hưng bỏ mặc héo rũ vì "hết phương cứu chữa"
Bà Minh mếu máo bên vườn cúc 300 chậu không nở kịp Tết do lũ nên không có thương lái đặt mua như mọi năm
Theo ghi nhận, thời điểm cuối năm 2016, mưa liên tục, tỉnh Bình Định hứng chịu 5 đợt lũ liên tiếp nên hầu hết các làng cúc ở Vĩnh Liêm (thị xã An Nhơn) và làng Bình Lâm (ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) đều bị thiệt hại nặng nề. Cúc bị ngâm nước lâu này, số bị chết, số thì bị tuột hết lá chân nên mất giá trị.
Cẩn thận ngắm nghía chậu cúc đang trơ trọi lá ở phần gốc, ông Trần Văn Võ (52 tuổi) lắc đầu: “Không bị héo úa nhưng riêng việc bị tuột lá ở phần gốc cũng đã làm chậu cúc rớt giá thê thảm. Người chưng cúc ngày Tết luôn chọn chậu hoa và lá đầy đặn sum suê từ ngọn đến gốc. Năm nay, dù cúc sẽ hiếm nhưng đang bị mất giá vì thương lái chê cúc xấu do bị tuột lá gốc”.
Doãn Công