"Nhà màn" đứng ngồi không yên vì đàn sâu đẻ ra tiền nhiễm bệnh

Minh Hậu

(Dân trí) - Nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân Lâm Đồng. Tuy nhiên những tháng gần đây, nhiều "nhà màn" (nhà mắc màn để nuôi tằm) điêu đứng bởi dịch bệnh.

Theo phản ánh của nhiều nông hộ tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, thời gian qua nhiều hộ gia đình ghi nhận tình trạng tằm bị bệnh tiêu chảy, bủng mủ (tằm bị phù thân, xì mủ).

Ông Chu A Hải (50 tuổi, dân tộc Hoa, trú tại xã Tân Văn, huyện Lâm Hà) cho biết, lứa tằm vừa qua của gia đình sắp đến ngày chuyển giai đoạn làm kén thì bị nhiễm bệnh tiêu chảy, thiệt hại nghiêm trọng.

"Thời gian đầu, tằm sinh trưởng nhanh, đẹp. Vậy nhưng chỉ cách ngày thu hoạch khoảng 1 tuần, toàn bộ tằm bị bệnh tiêu chảy. Lúc đó, gia đình tôi mua thuốc về điều trị nhưng tằm không khỏi", ông Hải nói.

Nhà màn đứng ngồi không yên vì đàn sâu đẻ ra tiền nhiễm bệnh - 1

Ông Chu A Hải cho biết, tằm bị bệnh tiêu chảy khiến năng suất, sản lượng kén suy giảm (Ảnh: Minh Hậu).

Tương tự, những ngày vừa qua, gia đình bà Voòng Thanh Lan (dân tộc Hoa, trú tại xã Tân Văn) phải dùng nhiều loại thuốc để chữa bệnh tiêu chảy cho tằm.

Bà cho biết: "Về mùa mưa, tằm thường nhiễm bệnh bủng mủ và bệnh tiêu chảy. Năm nay, số lượng tằm của gia đình tôi dính bệnh nhiều hơn so với những năm trước và việc phòng ngừa bệnh rất khó khăn".

Theo bà Lan, việc tằm bị bệnh khiến chất lượng kén ảnh hưởng lớn, năng suất suy giảm.

"Năm nay giá kén hơn 200.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn so với nhiều năm nhưng thu nhập của chúng tôi lại thấp vì tằm bị bệnh", nữ nông dân 59 tuổi cho biết.

Một người dân ở xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà cho biết, triệu chứng của tằm bị tiêu chảy là bỏ ăn, bò lên lá dâu rồi chất thải có nước màu vàng. Tằm bị tiêu chảy sẽ chậm lớn, quấn kén kém, thậm chí không quấn kén. Năm nay, nhiều lứa tằm của gia đình này đều dính bệnh, sản lượng kén giảm 20-50%.

Nhà màn đứng ngồi không yên vì đàn sâu đẻ ra tiền nhiễm bệnh - 2

Bà Voòng Thanh Lan, trú tại xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng phun thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cho tằm (Ảnh: Minh Hậu).

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng, người dân nắm bắt thông tin về tình hình bệnh trên tằm để có phương án xử lý.

Theo ông Phạm Phi Long, những năm gần đây, tằm chủ yếu nhiễm bệnh hoại huyết, bủng mủ, bệnh nấm, tằm bị ngộ độc, tiêu chảy. Việc hạn chế những bệnh này chủ yếu dựa vào công tác phòng bệnh ngay từ khi bắt đầu sản xuất. Trong đó, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi nhấn mạnh, cần chọn cơ cấu giống phù hợp với điều kiện khí hậu, đảm bảo vệ sinh môi trường, tổ chức tiêu độc khử trùng vùng nuôi…

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, diện tích dâu phục vụ nuôi tằm của địa phương hiện đạt 10.000ha. Sản lượng kén bình quân của địa phương đạt 15.000 tấn/năm, chiếm 80% sản lượng kén của cả nước.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm tại địa phương mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Mỗi năm, địa phương này cần 350.000-400.000 hộp giống tằm phục vụ sản xuất.