Nguyên nhân các nhân viên xuất sắc nhất của bạn không có động lực làm việc

Enternews.vn Có rất nhiều trường hợp các nhà lãnh đạo vô tình dập tắt nguồn động lực và sự năng nổ làm việc của nhân viên. Sau đây là năm ví dụ cho việc dập tắt tinh thần của nhân viên.

Bạn có đang động viên nhân viên của mình không? Hay bạn lại vô thức làm những điều dập tắt tinh thần làm việc của họ? Với tư cách là một nhà lãnh đạo trong văn phòng, trách nhiệm của bạn là lắng nghe nhu cầu của nhân viên. Nếu bạn muốn có một đội ngũ làm việc trung thành, thì nhân viên của bạn phải cảm thấy họ được lắng nghe và quý trọng.

Theo một nghiên cứu của Harvard, đối với 85% công ty, động lực làm việc của nhân viên giảm mạnh sau sáu tháng đầu tiên được thuê vào làm – và con số đó tiếp tục giảm trong những năm sắp tới. Nếu bạn nghĩ mình đang quản lý một đội ngũ không hợp tác và thiếu động lực, sau đây là năm nguyên nhân tại sao tinh thần làm việc của nhân viên bạn đang đi xuống.

1. Cần có thêm sự tham gia

Các nhân viên của bạn có sự tự do trong công việc – như tạo ra những thay đổi để phù hợp với cách làm việc riêng của họ không? Nếu một nhân viên cảm thấy như không ai quan tâm tới ý tưởng của mình, họ sẽ dễ mất đi động lực làm việc. Bạn hãy cân nhắc thường xuyên trò chuyện với nhân viên của mình, trao đổi ý kiến về việc tăng cường mức độ làm việc hiệu quả của họ.

2. Cần sự bình đẳng

Một nhân viên sẽ có động lực làm việc khi họ cảm thấy được quý trọng và được đối xử một cách công bằng trong thu nhập, tiền thưởng và tính an toàn trong công việc. Hãy đảm bảo nhân viên của bạn cảm thấy hài lòng về những điều này.

3. Cải thiện tình đồng nghiệp

Một nhân viên có thể làm việc hiệu quả khi một mình, nhưng mối quan hệ của họ với đồng nghiệp như thế nào? Một đội ngũ làm việc xuất sắc gồm có những mối quan hệ bền vững và năng suất. Nhân viên của bạn có dễ hòa đồng và làm việc với nhau không? Hay việc hợp tác đối với họ là một điều vô cùng khó khăn?

4. Sự công nhận

Dẫu cho các đóng góp của một nhân viên có nhỏ bé hay lớn lao đến chừng nào đi nữa, hãy dành cho họ thật nhiều lời khen ngợi và sự công nhận. Bạn nên tránh việc khiến các nhân viên của mình cảm thấy muộn phiền vì đã vội vã chỉ trích song không thể nói nổi một lời cảm ơn cho công sức họ đã bỏ ra.

5. Không biết mục đích là gì

Các nhân viên của bạn có biết nhiệm vụ của công ty là gì không? Một câu hỏi quan trọng hơn là, họ có hiểu được những nguyên nhân tại sao lại có nhiệm vụ đó không? Với tư cách là một nhà tuyển dụng, việc truyền đạt tầm quan trọng của công việc tới nhân viên là vô cùng cấp bách nếu bạn muốn nhân viên của mình có động lực làm việc. Hãy cho họ một mục đích rõ ràng và sẽ thúc đẩy họ trong công việc. Rất nhiều nhà lãnh đạo đã vô thức dập tắt nguồn động lực và sự năng nổ của nhân viên. Khi dẫn dắt bất cứ đội nào đó, bạn hãy chắc chắn rằng chính sách và phương thức của mình sẽ có ảnh hưởng tích cực lên động lực làm việc của nhân viên.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp