Bình Định:

Người trồng rau "gượng dậy" sau bão chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán

Doãn Công

(Dân trí) - Sau các đợt bão, lũ liên tiếp, hàng trăm ha rau màu của người dân Bình Định bị thiệt hại nặng. Các vườn rau bị thiệt hại hơn 50% diện tích, có vườn bị thiệt hại hoàn toàn…

Bão số 9 vừa qua thì bão số 12 ập tới kèm mưa lớn đổ xuống, gây ngập lụt nhiều địa phương, dẫn đến các vườn rau, quả của người dân Bình Định bị thiệt hại nặng nề.

Người trồng rau gượng dậy sau bão chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán - 1
Nhiều vườn trồng rau, cây ăn bị thiệt hại nặng do bão.

Tại các vườn rau xanh lớn ở các huyện Tuy Phước, Tây Sơn và thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn bị hư hại trên 50% diện tích, cá biệt nhiều vườn mất trắng…

Ghi nhận của PV Dân trí, sau bão lũ người dân tận thu những gì còn sót lại rồi phá bỏ làm đất để chuẩn bị cho vụ rau mới, đặc biệt là chuẩn bị cho vụ rau, quả phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Người trồng rau gượng dậy sau bão chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán - 2
Bão và mưa lũ gây gập nhiều địa phương ở Bình Định.

Hứng chịu 2 cơn bão và mưa lũ, chị Nguyễn Thị Gọn (thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) xót xa nhìn 1 sào khổ qua (mướp đắng) bị ngã rạp, hư hỏng gây thiệt hại cho kinh tế gia đình.

“Sau bão gia đình phải huy động nhân công dựng lại giàn khổ qua, nhưng cây vẫn chết rụi, quả thối do bão và mưa lớn gây thối rễ. Tiếc quá, tôi tận thu vớt vát được khoảng 30 kg, rồi phải phá bỏ để làm đất trồng vụ mới”, chị Gọn nói.

Bình thường, chị sẽ thu hoạch sau 2 ngày từ 50-60 kg, với giá ổn định 17.000 - 20.000 kg. Sau bão, các loại rau, quả cũng khan hiếm nên giá cả cao hơn nhưng không có mà bán

Người trồng rau gượng dậy sau bão chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán - 3
Chị Nguyễn Thị Gọn (thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp) xót xa nhìn 1 sào khổ qua (mướp đắng) bị ngã rạp, hư hỏng do bão lũ.

Vườn kế bên, chị Trương Thị Sương cho biết, gia đình chị trồng gần 2 sào (1.000m2) các loại rau cải ngọt, cải cay, mồng tơi… bị hư hại khoảng 50%. Trước bão tôi xuống giống cải ngọt, cải cay, mồng tơi… nhưng bão kèm mưa lớn nên số giống cải ngọt bị thối gần hết.

Mưa bão cũng làm nhiều diện tích rau chuẩn bị thu hoạch bị mưa lớn dập nát, hư hỏng. Trong khi giá rau năm nay khá ổn định mà mưa bão, gây thiệt hại đáng kể cho người trồng rau.

Chị Sương cho biết, người dân vùng Phước Hiệp trồng rau quanh năm quá hiểu thời tiết, đến mùa mưa bão người dân chủ động mua lưới che để hạn chế rau bị mưa đánh rập nát, nhưng mưa bão, lũ lớn thì không tài nào đỡ được.

Khi mưa bão lớn thì người trồng rau cơ bản là mất trắng, còn đợt bão này thì những hộ trồng khổ qua, đu đủ… hầu như mất trắng.

Người trồng rau gượng dậy sau bão chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán - 4
Nhiều vườn khổ qua cửa người dân xơ xác sau bão, lũ

Theo ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) liên tiếp những đợt bão cuối tháng 10 đầu tháng 11 đã gây thiệt hại trên 10 ha rau màu của bà con nông dân trên địa bàn xã.

“Cuối tháng 10, HTX vừa xuống giống các loại rau cải, rau dền, rau muống khoảng 2 ha thì cơn bão số 12 đã gây thiệt hại hơn 1 ha. Hiện nay, bà con xã viên lo dọn dẹp vườn rau và chưa dám xuống giống rau vì sợ mưa bão”, ông Long cho hay.

Người trồng rau gượng dậy sau bão chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán - 5
Chị Trương Thị Sương, người trồng rau ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) cho biết nhiều diện tích rau vừa xuống giống bị thối do mưa bão lớn.

Cùng tình cảnh, nhiều diện tích rau cải, xà lách, mồng tơi, rau muống… vừa mới xuống giống của người dân ở làng rau Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn) cũng bị mất trắng do bão lũ.

Theo lãnh đạo HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa cho biết, mỗi ngày, HTX này cung ứng cho các cơ sở, thương lái khoảng 500 - 600 kg rau các loại. Tuy nhiên, cơn bão số 12 và mưa lũ sau bão gây thiệt hại hơn nửa diện tích rau bị hư hỏng nặng, chất lượng rau cũng giảm so với trước.

Người trồng rau gượng dậy sau bão chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán - 6
Những vườn khổ qua của người dân bị ngã rạp... chờ phá bỏ để trồng vụ mới.

Trong khi đó, tại các vườn rau thuộc HTX Nông nghiệp II Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn) thiệt hại hoàn toàn 1,5 ha mướp táo và bí nụ chuẩn bị thu hoạch, 7.000 m2 súp lơ trắng đang trong độ thu hoạch cũng bị hư hỏng.

Các vườn rau ở phường Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Xuân (thị xã Hoài Nhơn); các xã: Ân Đức, Ân Tín, thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), Cát Tường, Cát Hải (huyện Phù Cát)… bị thiệt hại hơn nửa diện tích…

Bình Định mất 1.043 tỷ đồng do bão, mưa lũ

Theo UBND tỉnh Bình Định, các cơn bão số 9 (ngày 28/10), số 10 (ngày 6/11), số 12 (ngày 10/11) và mưa, lũ lớn do hoàn lưu bão gây ra đã làm 23 người mất tích trên biển, 19 người trên đất liền bị thương; 75 nhà sập, 5.673 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 13.829 nhà ngập nước.

Chỉ riêng về trồng trọt và chăn nuôi: có 2.489 ha lúa, hoa màu; 3.306 ha cây trồng lâu năm; 1.297 ha rừng trồng bị hư hỏng; 31.365 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi… Thiệt hại ước tính là 1.043 tỷ đồng.