Quảng Nam:
Người trồng rau "đứng ngồi không yên" vì mưa rét kéo dài
(Dân trí) - Mưa rét kéo dài khiến nhiều diện tích rau màu của nông dân vựa rau Bàu Tròn (vùng chuyên canh rau lớn nhất Quảng Nam) hư hại nặng, khó đậu quả. Giá rau củ quả tăng cao nhưng nông dân không có để bán.
Những ngày này, gần 300 hộ nông dân vùng chuyên canh rau Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) phải luôn túc trực trên đồng để chăm sóc rau màu, đảm bảo cung ứng thị trường Tết Tân Sửu sắp đến.
Mặc dù chỉ còn chưa đầy một tháng nữa đến Tết cổ truyền, thế nhưng mưa lũ những tháng cuối năm 2020, cộng thêm thời tiết lạnh kéo dài khiến rau màu khó đậu quả, xuất hiện nhiều loại bệnh khiến nông dân lo âu.
Nhiều sào trồng dưa leo, đậu cô-ve bị nhiễm khuẩn và héo lá. Mưa liên tiếp khiến cho nhiều cây trồng không thể thụ phấn nên năng suất thu được rất thấp so với những năm trước.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hương (thôn Phú Phước, xã Đại An) trồng 5 sào rau màu gồm khổ qua, đậu cô-ve, dưa leo với công đầu tư mỗi sào hơn 4 triệu đồng. Mưa rét kéo dài khiến 1,5 sào dưa leo của gia đình bị hư hại 50%, nhiều đoạn bị úng rễ héo cành, trái không đạt chuẩn. Khổ qua đến thời điểm này quả đậu ít, đậu cô-ve bị mốc lá…
"Cả năm trồng rau bị thất bát, đầu năm thì Covid, giá rau, củ hạ thấp khiến người trồng rau chịu lỗ. Tiếp đến thì thiên tai, có nhiều người trồng sớm bị mất trắng. Đến cuối năm chỉ mong gỡ gạc được ít thì trời lạnh liên tiếp khiến cây không phát triển. Hiện khổ qua tại vườn giá 30-35 ngàn/kg nhưng không có để bán. Nông dân chúng tôi đang lo lắng cái Tết không đủ đầy", ông Hương rầu rĩ nói.
Theo ông Phan Minh Dũng (thôn Phú Phước, xã Đại An), thời điểm này những năm trước khổ qua đang rộ trái, mỗi lần hái từ 30-35 ký/sào; nhưng năm nay do mưa rét kéo dài cây khó thụ phấn khiến năng suất giảm, hiện mỗi lần hái chỉ thu được 5-7 ký/sào nhưng phải 4 ngày mới thu hái một lần. Giá thu mua tại ruộng hiện khá cao nhưng nông dân không có để bán.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích dưa leo bị úng nước khiến cây dần thối rễ và kém phát triển, đậu cô-ve bị mốc lá. Những ngày này, người dân phải thường xuyên túc trực, chăm bón với hy vọng cây cho quả tốt vào dịp Tết sắp đến.
"Nhiều người nói vui là nhìn khổ qua không biết là thu hoạch trái hay thu hoạch lá, cả giàn cây tươi tốt nhưng quả đậu rất ít, mưa rét kéo dài khiến cây khó thụ phấn. Chưa năm nào mưa nhiều như năm nay và rét kéo dài như vậy, người dân chỉ hy vọng thời tiết nắng ấm để cây còn phát triển chứ rét lạnh mãi thế này thì nông dân thất thu mất", ông Dũng thở dài nhìn vườn rau màu của gia đình.
Bà Huỳnh Thị Xuân (thôn 2, xã Đại An) buồn bã chia sẻ: "Tôi trồng 4 sào rau màu các loại nhưng hư hại gần 50% do mưa rét kéo dài khiến cây bị xoắn lá, quả rụng dần và không đạt chuẩn. Do đợt mưa lũ cuối năm 2020, chúng tôi phải xuống giống 2 lần, tiền giống, phân bón khá cao. Công chăm bón, đầu tư lớn mà thiệt hại như vậy thì Tết này chẳng vui nữa rồi".